Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII:

Thắt chặt tài khóa, tiền tệ phải đúng liều lượng

ANTĐ - Hôm qua, 21-7, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của 6 tháng cuối năm 2011.
Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (đứng thứ ba từ phải sang) trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên hành lang phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII 

 Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (đứng thứ ba từ phải sang)
trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên hành lang phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII

 

Tăng giá đã chậm lại

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm ước đạt 5,57%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn chỉ tiêu cả năm 2011 đã được Quốc hội thông qua nhưng đây đã là một nỗ lực rất lớn của cả nước trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn. Ông cũng thông tin, nhờ kiên quyết kiềm chế lạm phát, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, mức tăng giá tiêu dùng đã chậm lại và có xu hướng giảm. Cụ thể, tháng 4 là 3,32%, tháng 5: 2,21% và tháng 6: 1,09%. Cùng với đó, tỷ giá có xu hướng giảm nhẹ và ổn định. Dự trữ ngoại hối Nhà nước được cải thiện rõ rệt. Đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục được duy trì. An sinh xã hội, tạo việc làm tiếp tục được quan tâm, chú trọng...

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ, lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Giá tiêu dùng tháng 6-2011 so với tháng 12-2010 tăng 13,29%, vượt chỉ tiêu được Quốc hội thông qua (không quá 7%). Mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Việc vay vốn tín dụng của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. Nhập siêu đã có cải thiện nhưng vẫn ở mức cao.

Điều hành thận trọng
Nhận định “tình hình sắp tới còn diễn biến phức tạp và nhiều khó khăn”, Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ đưa ra 8 nhóm giải pháp. Bên cạnh yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, Chính phủ nhấn mạnh, “tiếp tục thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý theo quý, tháng phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt là vào các thời điểm mùa vụ sản xuất, kinh doanh khi nhu cầu vốn tăng cao”. Cùng với đó, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm sức ép lạm phát, giảm lãi suất xuống mức phù hợp nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, bảo đảm thanh khoản của hệ thống tín dụng, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Phó Thủ tướng nói: “Kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền là mục tiêu trung và dài hạn của chính sách tiền tệ...”.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tài khóa thắt chặt, phối hợp hài hoà với việc thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng. Chính phủ cũng cam kết, kiểm soát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài quốc gia, bảo đảm trong giới hạn phù hợp, an toàn. Về giá điện, xăng dầu, than, Phó Thủ tướng cho biết, điều hành theo cơ chế thị trường phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, tính công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, sẽ kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu hàng tiêu dùng, đặc biệt là hàng hóa ảnh hưởng đến sức khoẻ, môi trường, hàng xa xỉ, hàng không thiết yếu...

Liên quan tới quốc phòng, an ninh, Phó Thủ tướng khẳng định: “Cần hành động kiên quyết, kịp thời, phù hợp với pháp luật quốc tế, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, huy động sức mạnh của toàn dân để bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia. Thực hiện phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng vùng biên giới, hải đảo...”.

Cơ bản nhất trí với các giải pháp của Chính phủ, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, “cần đúng hướng, đúng lúc, đúng liều lượng nhằm hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi đối với đầu tư, sản xuất kinh doanh”. Đồng thời, phải tránh tình trạng khối lượng tiền tăng cao vào cuối năm gây sức ép cân đối tiền hàng, làm gia tăng lạm phát.     

 Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hộiNguyễn Phú Trọng:

Thảo luận dân chủ, bầu người xứng đáng

Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn và quyết định, đóng góp nhiều ý kiến có chất lượng, góp phần để kỳ họp thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao trong bộ máy Nhà nước. Đây là công việc rất quan trọng, có ý nghĩa và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy Nhà nước trong suốt cả nhiệm kỳ. Các vị ĐBQH cần sáng suốt lựa chọn để bầu và phê chuẩn được những người xứng đáng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý có hiệu lực, hiệu quả của nhà nước, tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng lưu ý Quốc hội khóa XIII cần dành nhiều thời gian, công sức cho việc nghiên cứu chủ trương bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, qua đó kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách hoặc chấn chỉnh, khắc phục sai sót trong quá trình triển khai, góp phần thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt  động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội cũng như phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm phát huy dân chủ, tăng tính tranh luận, qua đó làm rõ tình hình và nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

               
 Các ĐBQH trong lực lượng công an, quân đội trong giờ giải lao phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất,QH khóa XIII

Các ĐBQH trong lực lượng công an, quân đội trong giờ giải lao phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất,QH khóa XIII 

 

Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ cũng khẳng định đã thực hiện nhất quán chủ trương đàm phán hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết tình hình phức tạp trên Biển Đông; chủ động, tích cực đấu tranh ngoại giao và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước trong khu vực và trên thế giới, các diễn đàn quốc phòng - an ninh khu vực, tiếp xúc song phương, đa phương. Đồng thời, triển khai kiên quyết và đồng bộ các biện pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân đánh bắt hải sản, các hoạt động kinh tế - thương mại, khai thác, thăm dò dầu khí, tài nguyên khoáng sản trên vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia.