Tháp xây phải có hồn

ANTĐ - Sau hơn 4 năm xây dựng, tạo tác, quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam đã hoàn thành hòa vào tổng thể của “Ngôi nhà chung” đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, vẫn còn nhiều điều phải bàn về “người anh em sinh đôi” của tháp PoKlong Garai.

Quần thể tháp Chăm hoành tráng tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam 

Giống nhưng chưa chuẩn

Ngày 23-11 vừa qua, tại Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra lễ khánh thành Quần thể tháp Chăm với sự có mặt của đông đảo người dân và đặc biệt là đại diện đồng bào Chăm các tỉnh Ninh Thuận, An Giang,... Theo Ban quản lý Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam, công trình được mô phỏng theo cụm tháp PoKlong Garai ở Ninh Thuận theo tỷ lệ 1:1, đáp ứng tiêu chuẩn phong thủy khắt khe. Quần thể tháp dựng trên diện tích 4.000m2 bao gồm: Tháp chính - tháp Kalan cao hơn 20m, tháp cổng - tháp Gopura cao hơn 8m và tháp hỏa - tháp Kosaghra cao hơn 9m với cùng cấu trúc, càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga đá trên nóc tháp. Công trình được kỳ vọng sẽ là nơi sinh hoạt tâm linh của đồng bào Chăm…

“Quần thể tháp Chăm này khá giống tháp PoKlong Garai, nhưng hoa văn, chi tiết chưa chuẩn, như mấy cái móc, cái phù điêu… chưa hoàn chỉnh. Về màu sắc chưa phù hợp. Cái này hơi giống xi măng”. Đó là lời nhận xét của ông Dương Tấn Sơn, huyện Tuy Phong, đoàn đồng bào Chăm Bình Thuận khi có mặt tại lễ khánh thành quần thể tháp. Cùng chung nhận xét đó, Sư cả Thường Xuân Hữu cho rằng: “Còn một số yếu tố nhỏ, như đường chỉ, nét hoa văn của tháp chưa đúng, chỉ có thể gọi là tương tự thôi”. Tất nhiên, đồng bào Chăm khi thấy một công trình mô phỏng di tích văn hóa lịch sử của mình đều cảm thấy vô cùng tự hào, ấm áp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ không để ý đến những chi tiết nhỏ, vốn góp phần làm nên cái hồn của khu quần thể tháp. 

Chưa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng

Nhà nghiên cứu văn hóa Sử Văn Ngọc cho biết, để làm được như vậy là một sự cố gắng rất lớn của Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam, các kiến trúc sư, thợ thủ công và những người lao động. Họ đã đặt bao tâm huyết để thực hiện công trình như vậy là rất đáng quý. Nếu nói các chi tiết là chưa chuẩn thì phải làm rõ, tháp Chăm vốn được xây dựng đã từ rất lâu đời, công nghệ xây tháp, các chất dùng để kết dính nay vẫn chưa được tìm ra. Hơn nữa, đó chỉ là lời nhận xét của những người vốn đã quá quen thuộc với hình ảnh tháp Chăm, còn đối với những người nghiên cứu khoa học, mặc dù còn nhiều chi tiết nhỏ chưa được giống với nguyên mẫu nhưng như vậy đã là rất thành công.

Duy chỉ có một điều mà nếu không phải người Chăm sẽ ít chú ý đó là, mỗi một tòa tháp Chăm đều phải có một phiến đá khắc chữ Sankrist dựng trước cửa. Đó sẽ là một sự chứng thực cho tòa tháp, trên đó tóm tắt tiến trình xây dựng như thời gian dựng tháp, ai là người xây dựng, tốn hết bao nhiêu nhân công, vật lực,… Thế nhưng khi dựng tháp ở đây không có điều đó. Ông nhấn mạnh: “Tôi mong dù chỉ là một tấm xi măng thì cũng phải có để tháp giống với nguyên mẫu”. Nói về phần “hồn” của tòa tháp, ông Ngọc càng thêm bức xúc, ngay cả lễ mở cửa tháp và lễ katê tái hiện cũng không đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng. Ông cho rằng phần lễ được tổ chức quá nặng về sân khấu. Chưa kể đến nhưng ngôi nhà xung quanh quần thể tháp, việc bố trí sai trật tự, sai hướng khiến khu vực này trở nên lạc lõng trong cả quần thể tháp. Ông khẳng định: “Sao Làng Văn hóa và Du lịch các dân tộc Việt Nam không đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nơi tôi đã tham gia dựng 7 căn nhà và 1 cái giếng mô tả khu vực sinh sống của người Chăm sẽ thấy rõ sự khác biệt”.