Thấp thỏm lo lãi suất

ANTD.VN - Trong năm 2017, Chính phủ tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất thấp và ổn định để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%. 

Sau Tết Nguyên đán, sức nóng trên thị trường tiền tệ cũng hạ nhiệt, lãi suất liên ngân hàng trong hai phiên giao dịch đầu năm đã giảm nhẹ. Trong thời điểm này, các doanh nghiệp hầu như không “khát” vốn nên chưa gây áp lực lên lãi suất. Song, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng nhẹ ở mức 0,5-1%/năm.

Có nhiều yếu tố khiến lãi suất khó có thể giảm. Với định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2017 ở mức 18% tương đương năm 2016, một số chuyên gia dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tăng cao, các ngân hàng sẽ phải tăng huy động vốn đáp ứng nhu cầu cho vay. Mặt khác, khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống còn 50% tất yếu ngân hàng sẽ phải nỗ lực chạy đua hút vốn trung - dài hạn, đây cũng là yếu tố đẩy lùi lãi suất tăng lên.

Một tháng trước Tết, các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động giữa các ngân hàng đã ngang bằng nhau thì sẽ khó tăng thêm, bởi chỉ cần khẽ nhích lãi suất lên là lập tức đội chi phí tăng theo. Mặc dù lãi suất ngân hàng còn phải cân đối chi phí vốn đầu vào. Tuy nhiên, sau tháng 2 này, khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng thì lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ tăng thêm 0,2-0,5%/năm đối với khoản vay mới và khoản vay cũ.

Dựa vào những yếu tố gì để phân tích và dự báo áp lực lãi suất tăng trong năm nay? Trước Tết, thị trường vốn ở nước ta chưa phát triển mạnh như mong muốn, hầu hết các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều “sống dựa” vào các ngân hàng để vay mượn vốn sản xuất. Đầu năm, các doanh nghiệp hầu như không phải chạy tới ngân hàng “gõ cửa” vay vốn, song sau Tết họ lại rơi vào tình cảnh “đói” vốn.

Còn một yếu tố khách quan không kém phần quan trọng là giá dầu thế giới tăng sẽ kéo theo giá nguyên liệu đầu vào tăng. Trong khi đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá. Khi tỷ giá tăng, USD tăng thì lãi suất của ngân hàng chắc chắn sẽ phải tạo ra một khoảng cách hợp lý tránh tình trạng găm giữ ngoại tệ. Rõ ràng là tỷ giá USD/VND sẽ là một áp lực không nhỏ “đè nặng” lên lãi suất.

Thực tế diễn biến trên thị trường tiền tệ nước ta cho thấy, việc lãi suất tăng hay giảm luôn có độ trễ nhất định. Mọi phân tích, dự báo là rất cần thiết đối với các ngân hàng nhỏ và lớn, nhất là Ngân hàng Nhà nước. Thấy trước tình hình để có những giải pháp hữu hiệu hỗ trợ, sát cánh cùng doanh nghiệp phát triển.