Thấp thỏm lo giá ngày Tết

ANTĐ - Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán nhưng “cuộc đua tăng giá” trên thị trường đã… vào cuộc. Thông tin từ cơ quan chức năng và nhà sản xuất, hàng hóa dự trữ dồi dào, đảm bảo không tăng giá, nhưng thực tế thì năm nào vào những ngày cận Tết giá cả cũng tăng chóng mặt. Và như đã thành thông lệ, giá đã tăng thì khó xuống lắm, nhất là thời điểm theo tập quán và truyền thống, nhu cầu những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết sẽ cao và tập trung vào những ngày cận Tết, kéo giá cả nhích lên.  

Mở màn cho cuộc đua là giá gas. Từ 1-12-2013, giá gas đã được điều chỉnh tăng đồng loạt với mức kỷ lục trong nhiều tháng qua, khoảng từ 70.000 -80.000 đồng/bình - mức giá cao nhất kể từ tháng 2-2012. Cũng từ nửa tháng nay, giá thịt lợn, gia cầm, giá gạo cũng đã tăng 5-10%. Các loại bia cũng tăng giá thêm từ 5.000 -20.000/thùng. Bất chấp Thông tư 30/TT- BYT về việc quản lý giá sữa và các thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi đã chính thức có hiệu lực từ ngày 20-11-2013, thị trường trong nước tháng cuối năm tiếp tục nhận một đợt tăng giá sữa mới. Kể từ cuối tuần trước, một số loại sữa đã tăng giá thêm 5 - 7%.

Và rồi từ ngày 18-12, xăng dầu đã tăng giá bán lẻ tối đa 584 đồng một lít đưa giá xăng RON 92 lên 24.210 đồng một lít. Từ đầu năm đến nay, đây là lần tăng thứ 5 của giá xăng dầu, xen kẽ với 6 lần giảm. Nhưng cứ giảm xong 1 chút thì xăng dầu lại tăng giá nhiều hơn. 

Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại cho biết, việc tăng giá xăng dầu sẽ không tác động lớn đến giá cả các mặt hàng Tết. Nhưng thực tế liệu có đúng vậy không? 

Thời gian qua, từ giá gas sốt nóng, đến xăng dầu đang tăng giá mạnh… người tiêu dùng đang phải thấp thỏm với mặt bằng giá. Xăng dầu tăng giá sé là “lý do chính đáng” để tàu xe tăng giá khi việc đi lại luôn là chuyện nóng dịp Tết. Chưa kể theo thông tư hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 do Bộ Tài chính ban hành, phí giao thông đường bộ có thể tăng 2 đến 3,5 lần từ đầu năm 2014, tức là giáp Tết Nguyên đán.

Bộ Tài chính, Bộ Công thương và các bộ, ngành địa phương đều đã có các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý điều hành giá nhằm bình ổn giá trong dịp Tết Giáp Ngọ, không để giá tăng, không để thiếu hàng nhưng xem ra giá vẫn đang rập rình tăng, cũng như tiềm ẩn những cơn sốt giá khác đang tác động mạnh đến mỗi gia đình.

Dù tăng giá gas, giá xăng… vì lý do gì thì công tác quản lý thị trường, giá cả đã bộc lộ sự thiếu trách nhiệm đối với người tiêu dùng dịp Tết đến Xuân về này. Khi các cơ quan chức năng cứ loanh quanh ra văn bản, ra chỉ thị nhằm hạn chế tăng giá thì hằng ngày hàng triệu người dân vẫn đã phải chi trả giá tăng thêm để duy trì sinh hoạt thường nhật của gia đình. 

Vẫn biết việc bình ổn giá cả dịp cuối năm là rất khó do nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến, nhưng điều này đặt ra câu hỏi tại sao cơ quan quản lý Nhà nước cầm trịch lại không nghiêng một chút về đa số người dân. Việc tăng giá, tăng phí giao thông đường bộ cho thấy giá cả không chỉ phụ thuộc vào quy luật cung cầu của thị trường mà còn có vai trò quan trọng của cơ quan chức năng trong điều hành, điều tiết giá các mặt hàng thiết yếu. Cơ quan quản lý dẫu có công cụ, có hành lang pháp lý để can thiệp thị trường, nhưng vẫn để giá tăng. Doanh nghiệp kinh doanh độc quyền xăng dầu cứ kê giá mà không bị sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. 

Hàng triệu hộ gia đình bên cạnh những lo lắng cho đời sống thường nhật đang cùng chung tâm trạng thấp thỏm với giá cả những ngày Tết đang đến. Nỗi lo muôn thuở: Không biết đến bao giờ mới dập được cơn bão giá cuối năm?