“Tháo nút thắt” trên bàn đàm phán giữa Nga và Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine đã có những tiến triển tích cực, hai bên đã có những điểm thông hiểu nhau. Dù việc ký kết một hiệp định hòa bình vẫn còn xa vời nhưng điều quan trọng là bế tắc trên bàn đàm phán đã được khai thông.

Động thái “tháo nút thắt” trên bàn đàm phán

Trong bài trả lời phỏng vấn được Kênh truyền hình CBS của Mỹ phát sóng ngày 3-4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, các đại diện của Kiev và Mátxcơva đã gần đạt được các thỏa thuận. Ông Volodymyr Zelensky lưu ý rằng việc phê chuẩn các thỏa thuận tiềm tàng “sẽ diễn ra ở cấp lãnh đạo hai nước”.

Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky cũng tỏ ra lạc quan khi nhận xét Ukraine đã trở nên “thực tế hơn trong cách tiếp cận các vấn đề liên quan tình trạng trung lập và phi hạt nhân hóa”. Giới quan sát thì đánh giá có triển vọng rất lớn để thu hẹp bất đồng giữa Nga và Ukraine, giúp hai nước tiến gần hơn tới một thỏa thuận hòa bình.

Vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29-3-2022

Vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 29-3-2022

Động thái được coi là “tháo nút thắt” trên bàn đàm phán giữa Nga và Ukraine là hai bên đã tiến sát tới sự thông hiểu về khái niệm “trung lập” của Ukraine. Theo đó, Kiev sẽ phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và không thể cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự ở nước này. Ukraine cũng nhất trí không trang bị và sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, không tổ chức tập trận với quân đội nước ngoài mà không có sự đồng ý của quốc gia bảo trợ an ninh, trong đó có Nga.

Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thừa nhận Ukraine sẽ không thể gia nhập NATO và sẵn sàng thảo luận về trạng thái trung lập của nước này. Đề cập đến nội dung đề xuất của Ukraine về các thỏa thuận, ông Volodymyr Zelensky cho biết: “Ukraine sẽ áp dụng quy chế trung lập, phi hạt nhân hóa, không liên minh. Nhưng đồng thời, Ukraine sẽ có tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU)”.

Đây là điều mà Nga có thể chấp nhận, khi Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói phương án Ukraine trung lập có thể là “một kiểu thỏa hiệp”. Cả Nga và Ukraine còn đạt được thống nhất về sự cần thiết phải tạo ra hệ thống đảm bảo an ninh quốc tế cho một Ukraine trung lập.

Một vấn đề nhạy cảm khác cũng đã được hai bên trao đổi thẳng thắn là tình trạng của Crimea và quy chế độc lập của các nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk mà Nga đã công nhận. Quan điểm của phía Nga là không bàn đến vấn đề Crimea vì đã là lãnh thổ của Nga, còn Ukraine phải công nhận độc lập cho Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng và Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng ở miền Đông Ukraine.

Để có được tiến triển trong đàm phán Nga - Ukraine, không thể không đề cập đến vai trò trung gian tích cực của Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan. Dù là một quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia các lệnh trừng phạt đối với Nga, qua đó, thể hiện Ankara là một nhân tố hết sức trung lập.

Thổ Nhĩ Kỳ rất quan tâm đến việc chấm dứt sớm cuộc xung đột Nga-Ukraine bởi vì chiến sự diễn ra ngay gần Thổ Nhĩ Kỳ, liên quan đến cả khu vực Biển Đen - nơi Ankara có rất nhiều lợi ích. Chính vì thế, ngay từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất đứng ra làm trung gian đàm phán. Mối quan hệ tốt của Thổ Nhĩ Kỳ với cả Nga và Ukraine là nguyên nhân khiến Mátxcơva và Kiev quyết định lựa chọn Thổ Nhĩ Kỳ là nơi tổ chức đàm phán.

Chia rẽ với công thức “NATO của Ukraine”

Có thể nói trạng thái trung lập của Ukraine là lựa chọn khả quan nhất mà tất cả các bên gồm Nga, Ukraine, Mỹ và NATO có thể chấp nhận. Tuy nhiên, vướng mắc ở đây là hiểu cụ thể “trung lập” của Ukraine thế nào thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Thông thường, khi một quốc gia “trung lập hóa”, nước này “đồng ý loại bỏ điều gì đó ra khỏi chính sách đối ngoại của mình, để các bên khác đồng ý không tấn công họ”. Với phương án này, Ukraine sẽ giống những nước trung lập khác như Thụy Sĩ, Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Ireland và Malta. Tất cả những quốc gia này đều duy trì quân đội, bởi họ vẫn có quyền tự vệ nếu ai đó vi phạm quyền trung lập.

Tuy nhiên, Ukraine nhấn mạnh rằng họ chỉ chấp nhận trạng thái trung lập khi có những đảm bảo an ninh quốc tế. Kiev đưa ra yêu cầu các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel đứng ra làm bên bảo trợ an ninh cho Ukraine khi nước này tuyên bố trung lập và sẵn sàng phản ứng trước bất cứ hành vi vi phạm chủ quyền nào nhắm vào họ, giống như cách NATO thực hiện Điều 5 với các nước thành viên. Điều 5 của NATO quy định bất cứ cuộc tấn công nào vào một nước thành viên đều là hành động tấn công vào cả khối và buộc liên minh quân sự này phải hành động. Đây được coi là công thức “NATO của Ukraine”.

Vấn đề đặt ra là các nước mà Ukraine đề nghị đứng ra bảo đảm an ninh có đồng ý không, và nếu đồng ý thì mức độ đảm bảo mạnh mẽ tới đâu. Trước hết, nếu các thành viên NATO trở thành bên bảo đảm trạng thái trung lập cho Ukraine, thì Kiev dường như sẽ không còn trung lập nữa. Trên thực tế, một số lãnh đạo phương Tây bày tỏ ủng hộ đối với một số hình thức đảm bảo an ninh cho Ukraine, nhưng không ai nói rõ nó sẽ diễn ra như thế nào.

Nhận xét về đề nghị của Ukraine, Phó thủ tướng Anh Dominic Raab bày tỏ hoài nghi về đề xuất đảm bảo an ninh cho một nước không phải thành viên NATO. Ông Dominic Raab nói: “Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận bất kỳ điều gì mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho là cần thiết. Nhưng chúng tôi sẽ không đơn phương áp dụng cam kết mà NATO dành riêng cho các thành viên của liên minh”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chưa bình luận về đề xuất của Ukraine. Giám đốc truyền thông Nhà Trắng Kate Bedingfield tuyên bố: “Chúng tôi thường xuyên thảo luận với Ukraine về những cách có thể giúp họ đảm bảo an ninh và chủ quyền. Nhưng không có gì cụ thể về đảm bảo an ninh mà tôi có thể nói vào lúc này”.

Bên cạnh đó, những câu hỏi hóc búa về vấn đề lãnh thổ của Ukraine, như liệu Kiev có công nhận quyền kiểm soát của Nga với bán đảo Crimea hay công nhận thế nào độc lập hai vùng ly khai ở Donbass cũng sẽ là trở ngại cho các cuộc đàm phán giữa hai bên. Nga cho rằng Kiev đưa ra lệnh tạm hoãn 15 năm đối với quy chế của Crimea, nhưng điều này không phù hợp với quan điểm của Nga rằng Crimea là một phần lãnh thổ của mình và Kiev cần phải công nhận như vậy. Nga cũng không thống nhất với việc Ukraine tìm cách đưa các vùng của hai khu vực Donetsk và Lugansk vào định nghĩa lãnh thổ của mình nhằm mục đích đảm bảo an ninh.