Thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu rất… tâm tư

ANTĐ -Sáng nay, 14-11, thảo luận dự thảo Nghị quyết về ban hành Nội quy kỳ họp của Quốc hội, nhiều ĐBQH thẳng thắn cho rằng hoạt động thảo luận tại Quốc hội vẫn nặng tính hình thức, thiếu tính tranh luận.

ĐB Nguyễn Thị Quyêt Tâm (đoàn TP. HCM) đề nghị bổ sung nội dung về thời gian dành cho tranh luận trong các phiên thảo luận toàn thể tại hội trường Quốc hội. Theo ĐB, hiện nhiều ĐBQH khi thảo luận tại hội trường Quốc hội thực chất là trình bày tham luận đã chuẩn bị sẵn, dẫn đến nhiều tham luận trùng lắp.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm băn khoăn tính hiệu quả của hoạt động thảo luận tại Quốc hội

“Tôi đề nghị với những phiên thảo luận về nội dung kinh tế xã hội, một số dự án luật và nội dung quan trọng khác thì Quốc hội cần bố trí 1/3 thời gian để tranh luận và tranh luận hết thời gian thì thôi. Qua đó giúp cho đại biểu khác biết thêm thông tin vì không phải ai cũng biết được hết các vấn đề. Điều hành của chủ toạ vừa rồi có không gian để tranh luận nhưng còn thiếu” – ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ: “So với Kỳ họp thứ 9, tôi cho rằng hiện nay thụt lùi về tranh luận. Cứ quy định bao nhiêu phút rồi xếp hàng để thảo luận thế này thì khó giải quyết được gì. Phải tranh luận đến cùng mới ra kết luận còn cứ để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu như thế này tôi rất tâm tư”.
Tương tự, ĐB Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng các phiên thảo luận toàn thể hiện cơ bản vẫn là tham luận mà chưa chuyển sang tranh luận, đây chính là vấn đề lớn nhất trong hoạt động Quốc hội hiện nay. ĐB Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị, để phiên phải thiết kế lại cả mục đăng ký phát biểu qua hệ thống điện tử tại các phiên thảo luận toàn thể ở hội trường Quốc hội để tạo thuận lợi chuyển từ tham luận sang tranh luận…
Liên quan quy định về chất vấn tại Quốc hội, nhiều ĐBQH đề nghị các ĐB khi hỏi và các thành viên Chính phủ khi trả lời câu hỏi phải đúng trọng tâm, trọng điểm, tránh trường hợp ĐB hỏi một ý Bộ trưởng lại trả lời ý khác. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị phiên chất vấn tại Quốc hội cần dành thời gian thoả đáng cho Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn. Cụ thể, nên dành cho Thủ tướng ít nhất 1 buổi chất vấn vì với thời lượng như hiện nay Thủ tướng chuẩn bị nhưng không đủ thời gian đưa ra thông điệp quan trọng.

Tin cùng chuyên mục