Tháo gỡ vướng mắc vay vốn cho doanh nghiệp

ANTĐ - Trước phản ánh của doanh nghiệp về những vướng mắc liên quan đến vay vốn ngân hàng và chính sách đất đai, Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức hội nghị giao ban doanh nghiệp năm 2013, đồng thời công bố các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.

Doanh nghiệp sẽ được ưu đãi lãi xuất và dễ tiếp cận nguồn vay hơn để thúc đẩy sản xuất
ẢNH: PHÚ KHÁNH

Chưa hết khó khăn 

Mặc dù chưa tới mức phải đóng cửa, ngừng hoạt động nhưng ông Bùi Ngọc Huyên- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) cho hay, công ty cũng nằm trong tình trạng khó khăn chung của các doanh nghiệp khác trên địa bàn thành phố. Hiện tại, doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng. Theo phản ánh của Vinaxuki, doanh nghiệp muốn được vay thêm vốn ngân hàng thì phải được Bộ Tài chính định giá. Đã qua 4 năm sau khi định giá xong nhưng cũng chỉ vay được khoản tiền bằng 1/3 tài sản của doanh nghiệp. “Từ tháng 3-2012 đến nay, công ty chúng tôi không vay được đồng vốn nào. Chúng tôi phải bán các nguyên liệu cũ để trả lương cho công nhân. Vậy cơ quan quản lý định giá để làm gì”? - ông            Bùi Ngọc Huyên thắc mắc.

Về chính sách đất đai cho doanh nghiệp, khi chuyển trụ sở từ tỉnh Vĩnh Phúc về Hà Nội, công ty đã lập hồ sơ xin ưu đãi đất để sản xuất, lắp ráp ô tô với diện tích 10ha. Nhưng kết quả là doanh nghiệp chỉ được bố trí 0,5ha nên buộc phải đi thuê đất. 

Theo ông Phạm Hồng Thanh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Thăng Long, dự kiến doanh thu cả năm 2013 chỉ tăng khoảng 3% so với năm ngoái. Đây là mức tăng rất khiêm tốn và muốn tạo được đột phá trong sản xuất, kinh doanh, công ty cần được hỗ trợ thêm vốn để tăng cường đầu tư. 

Gỡ dần vướng mắc

Bà Đào Thu Vịnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sở này đã kiến nghị UBND thành phố Hà Nội trình Chính phủ giảm hệ số tính giá thuê đất với các ngành cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng vì các ngành này có đặc thù vòng đời sản phẩm dài nên thời gian sử dụng mặt bằng sản xuất lâu hơn. Sở cũng kiến nghị mở rộng đối tượng được thụ hưởng về giãn hoàn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp cho cả doanh nghiệp lớn (hiện chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thụ hưởng)… và rất nhiều biện pháp cụ thể khác. 

Liên quan đến vấn đề vay vốn, ông Trần Quốc Hùng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội cũng cho rằng, hấp thụ vốn của doanh nghiệp Hà Nội chưa phù hợp, dư nợ tín dụng nhiều. “Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực nhưng ngân hàng cũng như doanh nghiệp đều phải hoạt động kinh doanh, phải đảm bảo an toàn vốn. Đặc biệt, nguồn vốn ngân hàng là từ nhân dân, từ nền kinh tế nên trách nhiệm của ngân hàng là làm sao để kinh doanh có hiệu quả. Chúng tôi phải đảm bảo an toàn vốn, tránh tình trạng tín dụng đen, tổ chức bên ngoài thu hồi vốn xong cho vay không đòi được”- đại diện ngành ngân hàng thành phố cho hay. 

Để tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 6125/QĐ-UBND về thí điểm hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội để sản xuất kinh doanh năm 2013. Theo đó, các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được ký trong năm 2013 và giải ngân trong khoảng thời gian từ 1-10 đến 31-12-2013 được hỗ trợ lãi suất 0,2%/tháng, tính trên số tiền vay và được giải ngân thực tế trong khoảng thời gian trên. 

Ông Trần Quốc Hùng chia sẻ: “Doanh nghiệp nên đọc kỹ hợp đồng vay vốn trước khi ký kết để tránh những hiểu nhầm và xung đột với ngân hàng. Đối với các khoản vay ngoại tệ để nhập khẩu, doanh nghiệp chứng minh được việc cho vay hợp lý thì ngân hàng sẽ hợp tác. Có khó khăn gì khi làm việc với ngân hàng và các sở, ngành, doanh nghiệp hãy nêu đích danh tên cơ quan đó với chúng tôi, để chúng tôi xem xét, giải quyết”.