Tháo gỡ những băn khoăn về thay thế sổ hộ khẩu, CMND

ANTD.VN - Để làm rõ những nội dung liên quan tới sổ hộ khẩu - CMND,  chiều 13-11, Báo Công an nhân dân đã tổ chức giao lưu trực tuyến Giải pháp, lộ trình thay thế sổ hộ khẩu, CMND trong quản lý dân cư.

 

Nghị quyết 112 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an đã gây sự chú ý của dư luận. Đặc biệt với việc bỏ sổ hộ khẩu, CMND trong quản lý dân cư được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên xung quanh chủ trương này cũng còn rất nhiều băn khoăn. 

Chiều 13-11, tham gia giải đáp các câu hỏi của người dân gửi tới chương trình là Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu dân cư, Bộ Công an; Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH CATP Hà Nội; Luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam.

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Buổi giao lưu trực tuyến đã tập trung vào một số nhóm vấn đề chính như những điểm cơ bản nhất của Nghị quyết 112; lộ trình thay thế hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân; những thách thức đặt ra khi thực hiện Nghị quyết 112; thủ tục cấp mã số định danh...

Theo Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an:  Hiện tại chúng ta đang được các cơ quan quản lý cấp nhiều giấy tờ với nhiều mã số khác nhau. Mỗi loại giấy tờ là các con số khác nhau, ví dụ như số CMND, bằng lái xe, thẻ bảo hiểm… Đáng chú ý là những con số này không phải là con số vĩnh viễn mà thay đổi theo mỗi lần được cấp. Vì thế, để thống nhất thì Chính phủ quy định bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. 

Thượng tá Trần Hồng Phú

Theo Điều 12 của Luật căn cước công dân, số định danh cá nhân được cập nhật từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được cập nhật và chia sẻ, khai thác thông tin với các cơ quản lý chuyên ngành. Mã số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc, cấp cho công dân Việt Nam, không cấp lại cho người khác. 

Mã số định danh cá nhân gồm 12 số, có cấu trúc 6 số đầu là mã thế kỷ, ngày tháng năm sinh và mã tỉnh thành; 6 số sau là số ngẫu nhiên. Mã số định danh cá nhân được cấp từ lúc sinh ra và giữ nguyên cho đến khi chết. Mã số định danh cá nhân được cập nhật cho các ngành khác, là chìa khóa kết nối thông tin. 

Mã số này là duy nhất và thống nhất. Hiện, cơ quan chức năng đã cấp cho gần 1 triệu trẻ em mới sinh ra trên 17 tỉnh, thành, kể từ ngày 1-1-2016. Mã số định danh này đã được ghi ở giấy khai sinh của các cháu, phục vụ cho việc đi học và làm thẻ bảo hiểm. Đến năm 14 tuổi, các cháu sẽ được cấp căn cước công dân theo mã số này và mã số sẽ được ghi trên thẻ căn cước công dân.

Về nội dung này, Đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, CATP Hà Nội nhìn nhận: Nghị quyết 112 của Chính phủ với chủ trương quản lý dân cư bằng công nghệ thông tin là sự đột phá về đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm tải các giấy tờ cho công dân. 

Đại uý Nguyễn Thành Lâm

Tại Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin về quản lý dân cư đã được thực hiện từ cuối năm 2013, mang lại hiệu quả lớn trong công tác quản lý dân cư, liên thông đăng ký khai sinh cho trẻ em dưới 6 tuổi, giảm thời gian giải quyết từ 15 ngày đến 2,5 ngày tại cấp quận và 4,5 ngày ở cấp huyện. Dựa trên cơ sở dữ liệu này, UBND TP Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính ở mức độ 3 và 4.

Buổi giao lưu đã nhận được nhiều câu hỏi, băn khoăn của người dân, và từng vấn đề đã được đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu dân cư, Phòng CS QLHC về TTXH và chuyên gia giải đáp thấu đáo, cặn kẽ.