Tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế: Đặt kỳ vọng vào quyết tâm của Chính phủ

ANTĐ - Sáng 24-10, các ĐBQH thảo luận ở tổ xung quanh báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2012, phương hướng nhiệm vụ năm 2013 của Chính phủ và tình hình dự toán Ngân sách. Hàng loạt vấn đề nóng về cơ cấu lại nền kinh tế, giải quyết nợ xấu, hàng tồn đọng, việc làm và tiền lương… được phân tích sâu sắc.

Tại tổ thảo luận của đoàn ĐBQH Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Trưởng đoàn Phạm Quang Nghị (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội), các ĐBQH đã dành phần lớn thời gian để phân tích về báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2012 cũng như góp ý thêm các giải pháp, bổ sung vào 9 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế trong thời gian tới mà Chính phủ nêu ra. Vẫn còn một vài ý kiến tỏ ra lo lắng, chưa đồng tình, thậm chí mổ xẻ sâu sắc về trách nhiệm của cá nhân, của cơ quan điều hành nền kinh tế đất nước, song tựu trung các ĐBQH đều tán thành, ủng hộ và đặc biệt kỳ vọng vào quyết tâm cao nhất của Chính phủ để có thể tạo ra một cú hích thực sự lớn trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

ĐBQH Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông phân tích, trong bối cảnh kinh tế năm 2012 bộn bề khó khăn nhưng chúng ta vẫn vượt qua được, 10/15 chỉ tiêu Quốc hội giao đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức, đó là điều đáng khích lệ. Các giải pháp về kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, ổn định kinh tế vĩ mô cũng đã được phát huy, dù chưa vững chắc. Riêng về tăng trưởng GDP, khả năng đạt được mục tiêu là một thách thức lớn, tuy nhiên cần phải nhìn nhận là trong khó khăn nhưng nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp vẫn làm ăn có lãi. 

Với góc độ người đứng đầu một doanh nghiệp lớn, ĐBQH Nguyễn Minh Quang - Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC cho rằng, Chính phủ đã nghiêm túc nhận trách nhiệm và quyết tâm cao của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Minh Quang tin tưởng những giải pháp mà Chính phủ đưa ra sẽ giúp tháo gỡ được khó khăn hiện nay. “Tôi đặc biệt tâm đắc với giải pháp thứ 2 về tháo gỡ khó khăn trong số 9 giải pháp mà Chính phủ đưa ra. Chính phủ nên cụ thể hóa những giải pháp này bằng thông tư, nghị quyết như giãn thuế, giảm thuế, cho chậm hạn nộp tiền đất và quan tâm hơn đến xử lý khoản nợ, nợ xấu… thì chắc chắn sẽ tạo được liều thuốc chữa căn bệnh trầm kha của nền kinh tế, giúp cho các doanh nghiệp hồi sinh và tự tin bước vào năm 2013” - ĐBQH Nguyễn Minh Quang cho biết.

ĐBQH Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng, để các giải pháp phát triển kinh tế năm 2013 thực tiễn hơn cần đánh giá đầy đủ những bất ổn của nền kinh tế trong năm 2012 như hỗ trợ doanh nghiệp nợ xấu, hàng tồn kho, thị trường tài chính, chứng khoán nhiều bất ổn… Từ đó, giải pháp đưa ra cần tính dài hơi hơn, ổn định nhưng cân đối kinh tế vĩ mô, đặc biệt phải có quyết tâm cao nhất với các mục tiêu này. Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt trong tái cấu trúc cơ cấu kinh tế, giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu để nguồn vốn tín dụng nhanh tới được với doanh nghiệp, tránh sự lòng vòng. Với đề án tái cơ cấu doanh nghiệp, vừa qua, đã làm đề án nhưng nội dung tái cấu trúc chưa đúng với yêu cầu, ở đây tái cấu trúc phải là đổi mới quản trị, đổi mới phương thức quản lý... chứ không phải giải quyết những tồn tại, do đó trong đề án Chính phủ phê duyệt cần làm rõ hơn nội dung này.

Góp ý về đề xuất lùi lộ trình tăng lương của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (Phó Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cho rằng không phải là ngân sách quá thiếu hụt mà cái chính là do đang bị phân bổ, đầu tư rất dàn trải, thiếu hiệu quả, dẫn đến thâm hụt. ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần rà soát lại các khoản chi ngân sách để cắt giảm những khoản không phù hợp, lấy nguồn cho tăng lương. “Tăng lương nếu không được tất cả thì cũng phải được một phần”- bà Khánh nhấn mạnh. Nhiều ý kiến khác của các ĐBQH trong tổ Hà Nội đều nhất trí rằng, Chính phủ cần cân nhắc kỹ chủ trương chưa tăng lương trong năm tới, bởi đây là việc ảnh hưởng đến đời sống của đại bộ phận người lao động và người dân nói chung, nhất là trong thời điểm giá cả sinh hoạt ngày càng tăng.

“Nội dung tái cấu trúc của một số tập đoàn kinh tế chưa đúng với yêu cầu, ở đây tái cấu trúc phải là đổi mới quản trị, đổi mới phương thức quản lý…”

ĐBQH Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank