Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Giãn, giảm, miễn thuế

ANTĐ - Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra vào chiều qua, 4-5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, trong vài ngày tới, Chính phủ sẽ có nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hiện nay.

CPI cả năm sẽ tăng khoảng 6%

Gói miễn giảm thuế tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tháo gỡ khó khăn

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm đạt bước tiến quan trọng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm liên tục. Căn cứ vào thực tế, nếu không có những diễn biến bất thường thì CPI cả năm 2012 sẽ ở mức một con số, khoảng 6%. “Chính phủ đã điều hành rất chủ động, kiềm chế lạm phát chứ không làm giật cục, bị động như thời gian trước đó. Bởi vậy, mục tiêu Chính phủ đề ra là đến cuối năm, giữ lạm phát ở mức một con số, tức khoảng 9%, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý 6%, phấn đấu tốc độ tăng trưởng năm nay không thấp hơn năm 2011”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết. Ước tính, quý I-2012, tăng trưởng xuất khẩu đạt trên 22%, nhập siêu gần như bằng 0%. Dự trữ ngoại tệ cũng tăng, quan trọng nhất là tỷ giá VND so với USD rất ổn định, người dân cũng như nhà đầu tư có lòng tin vào đồng VND. 

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, vẫn còn tồn tại những khó khăn, điển hình là tốc độ tăng trưởng chậm lại, mục tiêu tăng trưởng đạt 6% vào cuối năm là rất khó khăn. Số doanh nghiệp (DN) khó khăn trong sản xuất, xin giải thể cao hơn nhiều so với các năm trước. Các DN không chỉ khó khăn về đầu ra trong nước mà còn cả đầu ra xuất khẩu. Bốn tháng đầu năm, cả nước đã có hơn 17.000 DN xin giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2011. Phần lớn các DN ngừng sản xuất và giải thể nằm trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa xe máy, xây dựng, DN trong lĩnh vực sản xuất chủ yếu chiếm tỷ lệ rất ít. 

Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, Chính phủ sẽ có nghị quyết riêng bao gồm các giải pháp về điều hành vĩ mô, tiền tệ, cải cách hành chính. Trong đó, trực tiếp là các giải pháp về thuế như tiếp tục cho giãn thuế giá trị gia tăng, lui thời gian thuế thu nhập DN, trình Quốc hội giảm thuế thu nhập DN, miễn một số dòng thuế… Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng khẳng định, sẽ không có một gói kích cầu dành cho các DN dễ dẫn đến nguy cơ tái lạm phát như dư luận đang lo lắng, mà chỉ là các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Sẽ hỗ trợ đúng địa chỉ và kịp thời

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, giải pháp hỗ trợ sẽ dựa trên 5 nguyên tắc gồm: đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và không để lạm phát quay trở lại; hỗ trợ đúng đối tượng, đúng DN khó khăn và kịp thời; đảm bảo tính đến khả năng cân đối của ngân sách nhưng đồng thời tạo điều kiện về vốn cho DN; phối hợp tốt với điều hành chính sách tiền tệ để từng bước giảm lãi suất và chi phí đầu vào và nguyên tắc cuối cùng là gắn với tái cơ cấu nền kinh tế đặc biệt là tái cơ cấu DN. Gói hỗ trợ sẽ tập trung vào miễn giảm thuế.

Miễn giảm 30% thuế thu nhập DN trong năm 2012 đối với các DN thuộc Nghị quyết 08 như, DN vừa và nhỏ, trừ các ngành kinh doanh về tài chính, bảo hiểm, sổ xố và thu nhập từ sản xuất hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ đặc biệt; giãn thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 với thời hạn 6 tháng cho tất cả các DN; giảm 50% tiền thuê đất của DN thương mại và dịch vụ, trước đây đã giảm 50% tiền đất cho DN sản xuất; Tăng chi ngân sách đẩy nhanh phân bổ, chi đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh quá trình giải ngân để tiêu thụ sản phẩm như xi măng, sắt thép tồn kho; Chính phủ cũng bổ sung 1.000 tỷ đồng cho vay đầu tư kiên cố hóa kênh mương, nuôi trồng thủy sản, hạ tầng và giao thông nông thôn; mở rộng thị trường trong nước và quốc tế để giúp DN mở rộng đầu ra. Bà Vũ Thị Mai nhận định: “Như vậy, các giải pháp đưa ra không chỉ có tác dụng với các DN có lãi, mà tập trung giải quyết cho tất cả các DN thuộc các ngành sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, đúng đối tượng, địa chỉ”.

Theo đó, với gói các giải pháp hỗ trợ trên, Bộ Tài chính tính toán, sẽ tác động về tài chính tới các DN khoảng 29.000 tỷ đồng. Trong đó, giải pháp về giãn thuế khoảng 16.000 tỷ đồng; giảm 50% thuế thuê đất khoảng 1.500 tỷ đồng; lùi thời hạn thu phí sử dụng đường bộ giảm 3.000-3.200 tỷ đồng; các giải pháp khác khoảng gần 7.000 tỷ đồng… Song, sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước năm 2012 vào khoảng 9.000 tỷ đồng. Để bù đắp sự thiếu hụt này, Bộ Tài chính sẽ quản lý chặt chẽ các nguồn thu, chống thất thu, nợ đọng thuế. Tuy nhiên, sự giảm thu ngân sách này một mặt sẽ tạo điều kiện cho DN tháo gỡ khó khăn, có nguồn thu vào cuối năm và những năm tới.