Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Giảm lãi suất... chưa đủ

ANTĐ - Bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng: “Để góp phần lưu thông dòng vốn tín dụng trong thời gian tới, không thể chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ, mà cần có các giải pháp đồng bộ để tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, qua đó tăng khả năng hấp thụ vốn”.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Giảm lãi suất... chưa đủ ảnh 1
Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả


Không bi quan với nợ xấu

Tại buổi hội thảo “Khơi thông dòng vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cổng thông tin điện tử laisuat.vn tổ chức sáng qua (31-5), Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN đánh giá: “Tính đến nay có thể nói mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khá mạnh, từ 2-4%/năm so với đầu năm. Các doanh nghiệp vay mới với lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 8-10%/năm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9-12%/năm. Trong đó, đối với khách hàng tốt chỉ từ 7-8%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006”.

Đối với các khoản vay cũ, các doanh nghiệp cũng được các tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về tối đa không quá 15%/năm. Đến nay, tỷ trọng dư nợ cho vay với lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 12,9%, giảm mạnh so với mức 65% vào thời điểm trước 15-7-2012. Trong thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm bởi các ngân hàng thương mại Nhà nước đã có cam kết giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 13%/năm.

“Đáng chú ý là để tháo gỡ nút thắt gây khó khăn trong quan hệ tín dụng của doanh nghiệp với ngân hàng, NHNN đã ban hành quyết định cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng. Từ khi triển khai đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 280.000 tỷ đồng, điều đó có nghĩa các tổ chức tín dụng đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tiếp tục có cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) chia sẻ: “Các chuyên gia đã phân tích nhiều nguyên nhân nhưng thông tin được bàn nhiều nhất là về lãi suất và tín dụng, điều đó không sai vì nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta hơi thái quá khi đánh giá đó là nguyên nhân làm ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp”.

“Mặc dù chúng ta đã giảm lãi suất, ngân hàng mong muốn cho vay được nhiều hơn, nhưng vốn vẫn không bung ra được. Ngoài lý do của ngân hàng và doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Chúng ta nên giải quyết nợ đọng cho doanh nghiệp. Ở vị trí ngân hàng, chúng tôi lo ngại nợ xấu nhưng không đến nỗi bi quan. Nợ xấu không thể giải quyết trong vòng 1 năm mà phải từ 3-5 năm, giải quyết phụ thuộc vào cái gốc là doanh nghiệp và chúng ta có niềm tin nợ xấu sẽ được cải thiện”, ông Nguyễn Đức Vinh nói. 

Thêm công cụ bảo lãnh tín dụng 

Trong bối cảnh tín dụng vẫn khó tăng trưởng mạnh, các chuyên gia cho rằng cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

TS. Nguyễn Trọng Hiệu – Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Hầu hết các quốc gia đều có các chương trình hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nguồn tài chính công. Công cụ phổ biến thường là thông qua hệ thống bảo lãnh tín dụng”. 

Giữa tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, vốn điều lệ của Quỹ do ngân sách Nhà nước cấp là 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm cho người lao động.

Theo đó, mức vốn cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất - kinh doanh tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án đó nhưng không quá 30 tỷ đồng. Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của người vay và điều kiện cụ thể của từng dự án nhưng tối đa không quá 7 năm; trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định nhưng không quá 10 năm, với lãi suất không vượt quá 90% mức lãi suất cho vay thương mại và được áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Đây được xem là một trong những công cụ sẽ góp phần hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian tới.