Tháo "chốt hãm", "bóng ma" chạy đua vũ trang trỗi dậy

ANTD.VN - Việc Nga tiếp sau Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khiến cho “bóng ma” chạy đua vũ trang hạt nhân từng phủ bóng u ám lên châu Âu và toàn cầu thời chiến tranh lạnh có nguy cơ trỗi dậy.

Tháo "chốt hãm", "bóng ma" chạy đua vũ trang trỗi dậy ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin ký ban hành luật về việc đình chỉ thi hành Hiệp ước INF hôm 3-7-2019

Trong động thái được cho là thủ tục cuối cùng, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3-7 đã ký phê chuẩn để ban hành thành luật về đình chỉ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Trước đó, dự luật đình chỉ thực thi INF của Nga được Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn ngày 18-6 vừa qua và sau đó tiếp tục được đưa lên Hội đồng liên bang (Thượng viện) để thông qua.

Với việc Nga đình chỉ thi hành, INF đã bị “khai tử” sau hơn 30 năm tồn tại và có những đóng góp to lớn ngăn ngừa xung đột hạt nhân tại châu Âu và đặc biệt là chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Nga cũng như trên toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cũng đã tuyên bố, từ ngày 2-2-2019, Washington bắt đầu tiến trình rút khỏi INF trong vòng 6 tháng.

Lý do mà phía Mỹ đưa ra để đơn phương rút khỏi INF là Nga đã vi phạm hiệp ước này khi chế tạo và triển khai tên lửa “Novator 9M729”. Tuy nhiên, Washington lại không thể đưa ra được các bằng chứng để chứng minh cáo buộc của mình.

INF được Tổng thống Mỹ và Tổng thống Liên Xô (Nga kế thừa hiện nay) ký ngày 8-12-1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-1988 với cam kết hai bên không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500 km). Suốt hơn 3 thập kỷ qua, INF trở thành rào cản pháp lý để ngăn cản bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ nào từ bên nào vào bên kia. 

Đồng thời, INF được đánh giá là một trong những hiệp ước quan trọng nhất thời Chiến tranh Lạnh đã giúp ngăn chặn chạy đua vũ trang hạt nhân giữa hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới bằng việc “đóng băng” hoạt động sản xuất, thử nghiệm các loại vũ khí mới. Điều này cũng giúp hạn chế việc chạy đua vũ trang giữa các quốc gia khác trên toàn cầu.

Việc hai cường quốc từng đặt bút ký kết và thực hiện nghĩa vụ cam kết trong INF suốt hơn 30 năm qua đã làm dấy lên lo ngại sâu sắc trên thế giới về một cuộc chạy đua vũ trang mới, không chỉ ở châu Âu mà khắp toàn cầu. Lo ngại này càng có sơ sở khi nhìn vào những động thái diễn ra thời gian qua sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF.

Báo cáo của tổ chức Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí hạt nhân (ICAN) hồi đầu tháng 5 vừa qua cho biết, chỉ trong 3 tháng sau khi rút khỏi INF, Lầu Năm góc đã ký nhiều thỏa thuận phát triển tên lửa với các nhà thầu với tổng giá trị lên đến 1,1 tỷ USD. Cũng chỉ 1 tháng sau khi rút khỏi INF vào đầu tháng 2, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa 2020, bao gồm hàng loạt chương trình phát triển tên lửa từng bị cấm bởi INF. Một quan chức Lầu Năm góc thông báo, Mỹ sẽ phóng thử một tên lửa hành trình có tầm bắn khoảng 1.000 km vào tháng 8, sau đó là một tên lửa đạn đạo có tầm bắn 3.000-4.000 km vào tháng 11 tới, những loại tên lửa vốn bị nghiêm cấm phát triển theo INF.

“Bóng ma” của một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân giữa Mỹ và Nga cũng như trên toàn cầu vì thế đang có nguy cơ trỗi dậy. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đã kêu gọi Mỹ và Nga thương lượng về một hiệp ước mới nhằm ngăn ngừa nguy cơ lớn đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên thế giới. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng bởi Mỹ và Nga không loại trừ ngồi lại để thương lượng về một hiệp ước mới, song lại muốn có sự tham gia của các cường quốc hạt nhân khác, đặc biệt là Trung Quốc.