Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ công ty của Út "trọc" sang Bộ Công an để điều tra tiếp

ANTD.VN - Tại kết luận thanh tra liên quan đến Út trọc và Công ty Phát triển Đầu tư Thái Sơn, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ liên quan đến vụ việc này sang cơ quan Điều tra Bộ Công an để điều tra, làm rõ thêm 4 nội dung.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") tại phiên tòa xét xử

Ngày 11-4, Tổng Thanh tra Chính phủ đã thông báo Kết luận thanh tra số 35/KL-TTCP ngày 8/1/2019 về việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn (Bộ Quốc phòng). Cụ thể:

Việc góp vốn thành lập Công ty Thái Sơn, ngày 5-8-2009, Tổng công ty Thái Sơn có Quyết định số 823/QĐ-TS về việc góp vốn đầu tư bằng nguồn vốn tự có tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P trị giá 10.200 triệu đồng, tương đương 51% vốn điều lệ.

Trong đó, uỷ quyền cho ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) - Phó Tổng Giám đốc đại diện quản lý 21% và ông Cung Đình Minh, Tổng Giám đốc quản lý 30% vốn điều lệ, tuy nhiên không báo cáo và chưa có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vi phạm Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Tổng công ty.

Năm 2013, Công ty Thái Sơn - Bộ Q.P thay đổi đăng ký kinh doanh với nội dung tăng vốn điều lệ từ 20.000 triệu đồng lên 120.000 triệu đồng, theo đó, số tiền tương ứng Tổng công ty Thái Sơn đăng ký góp vốn là 24.000 triệu đồng.

Thực tế, đến thời điểm thanh tra, Tổng công ty Thái Sơn đã đăng ký góp vốn với tổng số tiền là 34.200 triệu đồng nhưng không thực góp. Việc làm này là vi phạm quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Về việc chuyển nhượng vốn góp của Tổng công ty Thái Sơn, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ ra, việc Tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng, thanh toán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P là không đúng quy định, thiếu công khai, minh bạch; Tổng công ty Thái Sơn cũng chưa làm đúng vai trò Chủ sở hữu vốn nhà nước tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P.

Về năng lực và kinh nghiệm của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu hiện có của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P cho thấy, hầu hết các báo cáo tài chính từ khi thành lập năm 2009 đến năm 2017 được sử dụng để kê khai quyết toán thuế hằng năm với các cơ quan Thuế nhưng không được kiểm toán.

Về số liệu tại các báo cáo tài chính “được cho là đã kiểm toán” để xin vay vốn, dự thầu đều phản ánh Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có đủ năng lực; nhưng so với báo cáo tài chính để quyết toán thuế hàng năm có nhiều sai khác, không đúng thực tế, tình hình tài chính rất yếu kém, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu luôn âm, lỗ (năm 2015 lỗ 4,21 tỷ đồng; năm 2016 lỗ 5,975 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 628 triệu đồng).

“Những việc làm trên của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, các đơn vị, cá nhân liên quan có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, số liệu báo cáo tài chính trong việc xin vay vốn ngân hàng và tham gia dự thầu các dự án” – kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

Về năng lực máy móc, thiết bị, nhân công và kinh nghiệm, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, thực chất Công ty Thái Sơn Bộ Q.P không có đủ năng lực về máy móc, thiết bị, nhân công và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu thực hiện các dự án, gói thầu nhưng vẫn được các chủ đầu tư lựa chọn trúng thầu.

Về việc chấp hành quy định pháp luật của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P tại các dự án đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra nhiều sai phạm, nhất là tại dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì theo hình thức Hợp đồng BOT. 

Các vi phạm trong việc lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh toán khối lượng thi công xây lắp đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, trong đó: không chấp nhận quyết toán tại các gói thầu XL.01-1, XL.01-2 và XL.01-3 với tổng số tiền 74.737triệu đồng.

Về việc quản lý và sử dụng vốn của Công ty Thái Sơn Bộ Q.P, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Công ty Thái Sơn Bộ Q.P có dấu hiệu giả mạo chữ ký, hồ sơ, tài liệu, vi phạm quy định tại Điều 4, Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 và Điều 14, Điều 40, Điều 41, Luật Kế toán số 03/2003/QH11…

Từ kết quả thanh tra kể trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan Điều tra của Bộ Công an để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định đối với các nội dung sau: Việc giả mạo hồ sơ, tài liệu không đúng thực tế để tham gia dự thầu tại các dự án mà Công ty Thái Sơn Bộ Q.P đã trúng thầu với vai trò là nhà đầu tư và nhà thầu xây lắp; Việc thực hiện chuyển nhượng thầu sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu; Việc vi phạm các quy định về vay vốn ngân hàng; Dấu hiệu trốn thuế, Bảo hiểm.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng tiếp nhận hồ sơ để xem xét, điều tra, xử lý theo quy định đối với các vi phạm trong việc góp, chuyển nhượng và quản lý vốn chủ sở hữu của Tổng công ty Thái Sơn tại Công ty Thái Sơn Bộ Q.P

Đối với Bộ Giao thông vận tải, kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ kiến nghị: thực hiện và chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền có liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm đã nêu tại Kết luận thanh tra; Chấn chỉnh công tác quản lý đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm (nếu có) đối với các dự án khác có liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ và Công ty Thái Sơn Bộ Q.P…