Thành tích cao, chắc đã mừng

ANTD.VN - Ngay khi đợt xét tuyển đại học nguyện vọng 1 chưa kết thúc, báo chí đã hân hoan thông tin về một lớp học ở huyện miền núi Thanh Chương, tỉnh Nghệ An có 100% học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1 với số điểm trung bình lên tới 25,39 điểm. Làm sao không vui được với thành tích đó, bởi nó như một minh chứng cho tinh thần vượt khó vươn lên, như một tấm gương cho các em học sinh noi theo. Thành tích đó, thực sự xuất sắc, đáng ghi nhận và chúc mừng.

Thành tích cao, chắc đã mừng ảnh 1Minh họa: Internet

Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ thì hình như có điều gì đó cần nói thêm ở lớp học này. Hóa ra, đây chính là một lớp “chọn” trong một trường học vốn được đầu tư cơ sở vật chất tốt nhất so với các trường trong huyện.

Theo đó, những học sinh trong lớp ngay từ đầu cấp đã được chọn là những em có học lực xuất sắc nhất và cũng được giảng dạy bởi những thầy, cô giỏi nhất với các trang thiết bị thí nghiệm, thực hành tốt nhất, chương trình học nâng cao, được luyện tập thành thục các dạng đề thi đại học. Với những điều kiện “đầu vào” như thế, thật không khó lý giải khi “đầu ra” của các em hơn hẳn so với mặt bằng chung.

Chưa kể, các em học sinh ở đây còn được cộng điểm ưu tiên khu vực, điểm vùng khá cao. Được biết, trong kỳ thi đại học năm 2011, cũng tại ngôi trường này, một lớp chọn cũng đã có tỷ lệ đỗ đại học 100% với 50 em học sinh đỗ điểm cao vào các trường, và vì thành tích này, trường đã được ngành giáo dục đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Lâu nay, mô hình trường chuyên, lớp chọn vốn vẫn nhận được quan điểm trái chiều từ các chuyên gia giáo dục. Mặt tích cực của mô hình lớp chọn là tạo môi trường, điều kiện cho những học sinh năng lực tốt được phát huy tối đa. Không phải chỉ ở ta mà ngay cả các nước có nền giáo dục tiên tiến, mô hình các trường, lớp kiểu này vẫn tồn tại, dưới dạng các trường chọn, trường tài năng hay năng khiếu.

Lý lẽ của họ khá đơn giản: Mọi trẻ em đều có quyền bình đẳng trong việc phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mình. Với các học sinh có năng khiếu đặc biệt thì việc có một chương trình, lịch học, môi trường, điều kiện học phù hợp để phát huy tối đa năng khiếu là việc cần thiết. Nếu không có các trường lớp riêng cho các em, thì sẽ là không công bằng với các học sinh đó.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, dường như trường chuyên, lớp chọn ở ta lại mang nặng bệnh thành tích khiến mục đích tốt đẹp trở nên méo mó, thậm chí thiếu nhân văn và không công bằng. Các trường, địa phương đều rất thích tổ chức lớp chọn, vì hầu như tất cả các thành tích, giải thưởng của trường, của ngành đều từ các lớp này mà ra. Do vậy, một đặc điểm thường thấy của các lớp chọn là đặt nặng các môn chuyên, lơ là những môn khác dẫn đến học sinh học lệch. Đặc biệt vào thời điểm chuẩn bị diễn ra các kỳ thi, hầu như những “hạt nhân” được chọn đi thi đều chăm chăm tập trung vào môn thi, được ưu ái gần như bỏ qua các môn khác. 

Trong khi đó, đối với những học sinh còn lại, khi cùng đóng một mức học phí nhưng lại phải học ở một môi trường kém hơn, giáo viên không xuất sắc bằng và không có những hạt nhân để giúp đỡ và thúc đẩy phong trào học tập. Đáng nói, vì lớp chọn được hưởng những ưu ái đặc biệt, nên ngay cả các phụ huynh cũng rất sính lớp chọn, muốn con mình được hưởng điều kiện học tập tốt hơn các bạn mà không cần biết năng lực con ra sao. Thế nên, ở nhiều trường, mỗi đầu năm học, các thầy cô lại khá vất vả vì phụ huynh nhờ vả xin vào lớp chọn. Điều này không những không tốt mà còn gây áp lực lớn lên việc học của học sinh, thậm chí khiến các con sợ học.

Vậy nên, thành tích cao, thực rất đáng trân trọng, nhưng chưa hẳn đã nên mừng. Và nếu chỉ vì thành tích mà tổ chức lớp chọn, thì có lẽ nên “khai tử” mô hình này, để hướng tới môi trường giáo dục phổ thông đảm bảo sự phát triển toàn diện cho mọi đối tượng học sinh.