Thành Thăng Long thực tế rộng bao nhiêu?

ANTD.VN - Năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn rời Hoa Lư ra xây thành mới trên nền thành Đại La (do đô hộ Cao Biền đời nhà Đường đắp vào năm 866) và khai sinh ra kinh đô Thăng Long thì qui mô thành chỉ nằm trong một vòng tường lũy có  chu vi khoảng 6km.

Dấu tích móng trụ thời Lý được phát lộ trong cuộc khai quật năm 2013 tại Hoàng thành Thăng Long

1. Đề phòng giặc phương Bắc và Chiêm Thành đánh chiếm, đồng thời cũng là tăng thêm diện tích cho dân chúng ăn ở, sản xuất nên năm 1014 Lý Thái Tổ đã mở rộng thành bằng việc cho đắp thêm một vòng tường lũy (chủ yếu bằng đất), men theo bờ của 3 con sông là Hồng Hà, Kim Ngưu và Tô Lịch. Mục đích của việc đắp lũy men theo bờ sông là vì Lý Thái Tổ muốn lợi dụng chính con sông làm hào nước tự nhiên để ngăn bước chân quân thù, cùng với lũy sẽ bảo vệ  thành khi bị giặc tấn công.

Gần tường lũy và hào có 4 linh điểm (dân gian thường gọi là tứ trấn) gồm: đền Bạch Mã (nay ở phố Hàng Buồm) trấn giữ phía Đông, đền Thủ Lệ (còn gọi là đền Voi Phục ở Cầu Giấy) trấn giữ phía Tây, Trấn Vũ quán (tên nôm là đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh) trấn giữ phía Bắc và đền Kim Liên (nay gọi là đình Kim Liên thuộc phường Kim Liên) trấn giữ phía Nam. Và 4 linh điểm này trở thành mốc giới cho vùng đất kinh kỳ mở rộng. Nhà Lý đã đặt tên là Kinh thành (hoặc Đại La thành, tên dùng lại nhưng không phải thành do Cao Biền đắp). Căn cứ vào sử sách cũ và bản đồ cổ, cũng như những vết tích còn sót lại trên thực địa thì chu vi kinh thành  khoảng 30km. 

Cuộc khai quật năm 2013 phát hiện ra nhiều di vật quan trọng, trong đó nổi bật có đầu rồng lớn thời nhà Trần

2. Ở trong chu vi 30km (được hình thành hình từ năm 1014) và ở trong khu vực chu vi 6km (được Lý Công Uẩn đặt làm kinh đô Thăng Long năm 1010) thì từ năm 1028, còn có một tòa thành nhỏ nữa, thời Lý gọi là Long thành (thời Trần gọi là Long Phượng thành và nhà Lê gọi là Cấm thành). Từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19, tòa thành này chính là khu vực lõi của kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Về cấu trúc, thành cơ bản được xây dựng, tổ chức và vận hành theo một quy hoạch nhất quán, gọi là “Tam trùng thành quách” (3 vòng thành lồng nhau) và “Trong thành ngoài thị”. Ở trong chu vi 6km gọi là vùng “thành thị quân vương”, ngoài  chu vi đó và ra tới giới hạn 30km là vùng “thành thị chúng dân”.

Nghĩa là vua ở trong Long thành, bên ngoài tường bảo vệ có dân chúng sinh sống gọi là thành thị. Bao bọc Long thành và thành thị chính là lớp lũy và hào. Trong triều Lý, kinh đô Thăng Long có 61 phường, và dù nằm trong chu vi 30km nhưng  khu vực phía Đông dân cư vẫn thưa thớt vì đây là đất bãi sông Hồng. Con đê đắp thời nhà Trần để ngăn lũ sông Hồng vào mùa mưa nay tương ứng với các phố Hàng Than, Hàng Đường kéo xuống Hàng Trống, Bà Triệu.

Bằng chứng là từ phố Hàng Trống xuống phố Báo Khánh, ra hồ Gươm là 1 cái dốc. Khoảng cuối đời Trần đã cho đắp đê mới nên khu vực bãi sông này dần trở thành khu dân cư. Và đến thời Lê trung hưng (1533-1789) các chúa Trịnh cho xây lầu, tôn tạo đảo Ngọc trong hồ Lục Thủy làm nơi nghỉ ngơi, giải trí thì khu vực này dần thành vị trí trung tâm của kinh thành thay cho khu vực hồ Tây. Và kinh đô chuyển từ Tây sang Đông. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

3. Theo thời gian, chu vi thành đã có những lúc xê dịch. Đó là vào năm 1587, khi nhà Mạc phải đề phòng nhà Lê - Trịnh tấn công nên đã cho đắp lũy to, cao và đặc biệt là nới rộng thêm vòng tường thành Đại La. Tường lũy bắt đầu từ Nhật Tân, qua chợ Bưởi, Cầu Giấy, kéo ra đến tận Lương Yên ngày nay. Khi nhà Lê - Trịnh đánh bại nhà Mạc và chiếm lại kinh thành, họ đã cho phá lũy để quân Mạc nếu có quay lại đánh thì sẽ không còn lũy và hào để trú ẩn.

Một xê dịch khác là để chống lại các cuộc khởi nghĩa của nông dân, năm 1749, bắt chước nhà Mạc, chúa Trịnh Doanh đã cho đắp lũy theo ví trí lũy của nhà Mạc nhưng nhỏ hơn và gọi là thành Đại Đô. Căn cứ vào dấu tích của các cửa ô cùng con đê bao quanh phía Đông kinh thành thì lũy của Đại Đô chạy dọc từ Yên Phụ tới Bến Nứa (khu vực chợ Long Biên ngày nay), qua  phố Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Hàng Chuối rồi nối với tường lũy phía Nam. Còn tường lũy phía Nam trên phần lũy cũ thời Mạc sót lại tức là từ Lương Yên theo Trần Khát Chân qua ô Cầu Dền, ô Chợ Dừa kéo ra Cầu Giấy. Lũy thành  Đại Đô gần như có hình tam giác, ôm trọn khu vực Hoàng thành cùng khu vực phủ Chúa Trịnh vốn nằm phía Đông hồ Hoàn Kiếm ngày nay.

Khi vua  Minh Mạng thành lập tỉnh Hà Nội năm 1831 gồm 4 phủ: Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Thiên và Lý Nhân trên một vùng rộng lớn, nằm trọn trong vành đai sông Hồng và sông Đáy, thì huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận của phủ Hoài Đức vẫn là vùng lõi của Hà Nội. Và cái chu vi kinh thành Thăng Long xưa chỉ thay đổi hẳn khi chính quyền Pháp lập Hà Nội làm nhượng địa năm 1888 rồi phá tường thành năm 1894 để mở rộng địa giới. Đến đầu thế kỷ 20 thì chu vi 30km của kinh thành xưa đã hòa lẫn với phần diện tích mở rộng nên khó phân định đâu là đất kinh thành cũ và đâu là phần đất mới.

Tin đọc nhiều