Nhân ngày Thể thao Việt Nam 27-3:

Thanh niên Hà Nội và những phong trào thể thao một thời sôi động

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong những năm 60 của thế kỷ trước, phong trào thể thao ở Hà Nội phát triển rất mạnh, đủ các bộ môn như quyền Anh, bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, thể hình, bơi lội… Riêng quyền Anh đã có rất nhiều lò đào tạo thu hút nhiều võ sinh theo học như lò của các võ sư Quỳnh, Hồng Vân, Phan Sang, Bùi Trần Tý, Phạm Xuân Nhà, Đinh Thọ…

Bây giờ quyền Anh chỉ được xem trên tivi, nhưng ngày ấy thanh niên Hà Nội rất ưa thích môn thể thao này và nó đã thành trào lưu. Cũng cần nói thêm rằng, thế hệ trẻ Thủ đô hồi đó ngoài học văn hóa còn phát triển thêm tài năng đàn hát, hội họa và thể thao… Vì thế, quyền Anh phát triển mạnh ở nhiều khu phố và trong cả nhà trường. Ngoài các lò đào tạo do những võ sư chuyên nghiệp huấn luyện để trở thành võ sĩ thượng đài thì nhiều nơi còn nở rộ các nhóm Boxing nghiệp dư.

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất năm 1985 - Cuộc tổng duyệt đầu tiên của Thể thao Việt Nam sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ nhất năm 1985 - Cuộc tổng duyệt đầu tiên của Thể thao Việt Nam sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất

Quyền Anh - một thời vang bóng

Những năm trước giải phóng Thủ đô, quyền Anh thường được tổ chức thi đấu ngay tại rạp Chuông Vàng trên phố Hàng Bạc. Nhiều trận đấu được bán vé lấy tiền ủng hộ cứu tế đồng bào bị thiên tai. Những cuộc thách đấu võ sĩ hạng nặng còn được tổ chức tại Nhà hát Lớn. Sau này, khi hòa bình lập lại (1954), quyền Anh vẫn thường xuyên được thi đấu.

Những trận đánh giữa các võ sĩ hạng gà, hạng ruồi tại nhà Đấu Xảo (sau đổi thành Nhà hát Nhân dân, nay là cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô) cũng luôn nhộn nhịp thu hút người đến xem. Võ đài quyền Anh được đặt ngoài trời, không mái che, ngay khu vực sau cùng của Nhà hát Nhân dân. Ghế ngồi là những tấm gỗ ván thông ghép lại bằng đinh, được đánh số và sơn đỏ thành từng khu A, khu B, khu C… Khu A bao giờ cũng sát võ đài, rồi cứ thế cao dần lên.

Hồi ấy không có tiền mua vé vào cửa, tôi và thằng bạn cùng phố rủ nhau chờ lúc trời nhập nhoạng mới trèo tường vào trong, rồi chui xuống gầm khu ghế khách ngồi. Sân khấu dựng ngoài trời nên các băng ghế được xếp trên khu đất rất rộng. Những hàng ghế cuối là cao nhất, dưới gầm toàn cỏ dại, muỗi như trấu, chúng tôi kiên nhẫn đứng đập muỗi, chờ khách xem vào đông mới dám mò ra.

Trận quyền Anh vào những đêm nhiều muỗi nhất không hiểu sao đa phần lại rất hay, vì thế nên khách mua vé vào xem đông như hội. Họ chen nhau tìm chỗ ngồi. Hôm ấy có nhiều võ sĩ tên tuổi Hà Nội thi đấu với các võ sĩ Hải Phòng, Nam Định. Hà Nội có võ sĩ Viết Sinh, Hồng Phương, Hoàng Kiềm…, còn Hải Phòng lừng danh với tên tuổi Đinh Bảng. Võ sĩ này còn được mệnh danh là “quả đấm thép” vì từng hạ nhiều đối thủ bằng cú đánh knock-out.

Đội bóng đá Giao thông vận tải Hải Hưng năm 1986

Đội bóng đá Giao thông vận tải Hải Hưng năm 1986

Thần tượng của tôi lúc bấy giờ là võ sĩ Hồng Phương (biệt danh Be). Anh rất đẹp trai, trắng trẻo, dáng lai Tây nên khá to cao. Khi Hồng Phương với chiếc quần satin đỏ xuất hiện trên võ đài, tiếng vỗ tay rầm rầm không ngớt. Hôm đó anh thách đấu với một võ sĩ Hải Phòng. Khác với Hồng Phương, tay đấm đến từ Hải Phòng kia đen nhẻm, rắn chắc, đầu húi cua, mặc quần đen. Trận đấu diễn ra trong 6 hiệp, mỗi hiệp 3 phút.

Sang hiệp thứ 3, Hồng Phương bị dính đòn nhiều dù anh đánh rất đẹp, di chuyển khắp võ đài để tránh những cú đấm corse (đấm móc) nhưng do nhát đòn không áp sát mà chỉ đưa ra những cú đánh direct (chọc thẳng) nên không thể làm đối phương yếu thế. Kết cục, cuối hiệp 5, võ sĩ Hồng Phương bị hạ đo ván bằng cú đấm swing nặng như búa bổ của võ sĩ Hải Phòng khiến khán giả Hà Nội thất vọng.

Võ sĩ Hồng Phương có thói quen là trong tất cả các trận đấu bao giờ cũng đưa người yêu đến dự khán, nhưng đa phần những trận đó anh đều bị dính đòn nhiều và thất bại. Có lần máu mũi, máu miệng đỏ hoét, dính cả lên mặt, chẳng hiểu cô bạn gái anh trên khán đài nhìn thấy có ngất xỉu không.

Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Cũng vì mê môn quyền Anh mà chúng tôi thường tụ tập vài đứa cùng phố để thi đấu. Những đêm hè bên sân đình hay bãi bóng trường học, bọn trẻ 12-13 tuổi thường hớn hở quần nhau boxing. Găng “bốc” là mảnh chăn dạ, bên trong toàn vải vụn, bông cũ nhồi chặt, ấy vậy mà sau trận đấu cũng có vài “võ sĩ hạng muỗi” máu mũi, máu miệng choe choét, còn trán thì sưng vù bằng quả ổi.

Ngoài phong trào quyền Anh thì bóng đá, thể hình và bơi lội cũng phát triển mạnh không kém. Các đội bóng lúc có giày, khi chân đất, thường xuyên tổ chức thi đấu giữa các xí nghiệp, nhà máy, trường đại học trên các sân Long Biên, Pasto, Bách Khoa, Mai Động… Để có thành tích trong phong trào thể dục, nhiều nhà máy, xí nghiệp tuyển người vào làm việc là những cầu thủ bóng đá không chuyên nhưng có khả năng đá giỏi trên sân cỏ…

Giống như bóng đá, sau ngày giải phóng Thủ đô, những người yêu quyền Anh càng có dịp để thể hiện lòng đam mê và tình yêu với môn thể thao này

Giống như bóng đá, sau ngày giải phóng Thủ đô, những người yêu quyền Anh càng có dịp để thể hiện lòng đam mê và tình yêu với môn thể thao này

Riêng môn thể hình cũng được thanh niên Hà Nội khá quan tâm bởi nó làm cho cơ thể đẹp ra, ngực nở, bắp tay to rắn chắc. Cựu nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành nhớ lại: “Hồi tiếp quản Thủ đô năm 1954, tôi mới khoảng ngoài 20 tuổi và rất thích môn thể hình, chiều nào cũng tập xà đơn, xà kép ngay sân nhà. Sau tôi đến xin học ở cơ sở tập tạ Hoàng Trần trên đường Nguyễn Thái Học.

Cơ sở Hoàng Trần lúc nào cũng đông học viên tuổi tầm như tôi. Phòng tập chừng 40m2 mà có đủ các dụng cụ tạ tay, tạ kéo, tạ đẩy. Ban đầu chỉ dám nâng tạ 30kg, sau dần nâng lên 50-80kg. Ngày ấy, có anh Nguyễn Dần nhà ở phố Nguyễn Gia Thiều cũng tập luyện ở đấy.

Anh là mẫu người thể hình, cao 1m80, đẹp trai, trắng trẻo, nâng tạ tận 80-100kg. Xà đơn, xà kép anh tập thường xuyên nên thân hình đẹp, ngực nở, cơ bắp, tay chân cứ cuồn cuộn”. Anh Nguyễn Dần thường được tuyển chọn làm vận động viên đi thi cấp thành phố và được Sở Thể dục thể thao Hà Nội lúc bấy giờ tặng rất nhiều Giấy khen. Nhưng tiếc là về sau anh bị tai nạn giao thông rồi mất”.

Do Hoàng Trần là cơ sở tập tạ có tiếng ở Hà Nội nên những ngày lễ lớn như Quốc khánh, lớp sẽ tuyển chọn những học viên có thể hình đẹp của cơ sở tham gia đội diễu hành. Kỷ niệm ấy đến giờ vẫn còn nguyên vẹn và sống động lắm. Nhóm chúng tôi mặc may ô thể thao trắng, quần trắng, đi giày bata trắng, cầm cờ theo đoàn thể thao diễu hành trên quảng trường Ba Đình và dọc các con phố lớn ở Hà Nội giữa rừng cờ hoa rực rỡ 2 bên và cả tiếng vỗ tay không ngớt.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, những thế hệ thanh niên ngày ấy giờ đã ở tuổi xưa nay hiếm. Họ chẳng còn tập quyền Anh hay thể hình, đá bóng nữa mà thay vào đó chỉ là đi bộ, cầu lông, Thái Cực quyền. Và trong lúc đi bộ bên hồ Hoàn Kiếm vào mỗi sáng sớm, họ vẫn hít đầy lồng ngực bầu không khí thanh xuân như thuở tráng niên với vẹn nguyên ký ức. Chẳng phải có một thời kỳ, họ đã từng là sức mạnh của dân tộc hay sao?

Tin đọc nhiều