Thành nhà Hồ - Thanh Hóa: Thêm bằng chứng giải mã bí ẩn

ANTĐ - Ngày 16-6 tới, di tích Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa sẽ chính thức đón nhận bằng Di sản do UNESCO trao tặng. Và mới đây, thông qua các cuộc khai quật đàn tế Nam Giao tại thành nội cũng như công trường khai thác đá tại núi An Tôn, những bí ẩn bắt đầu được hé lộ… PV Báo ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam xung quanh những phát hiện mới này…

Cổng Bắc Thành nhà Hồ

- PV: Thưa ông, sau 2 cuộc khai quật khảo cổ tại đàn Nam Giao và núi An Tôn, chắc hẳn các nhà khảo cổ đã có thêm những bằng chứng giải mã bí ẩn của tòa thành độc đáo này?

- PGS.TS Tống Trung Tín: Đã có những bất ngờ thú vị phát lộ sau 2 cuộc khai quật được thực hiện trong năm 2011 và đầu năm 2012. Nhiều vấn đề, trước đó còn là giả thiết thì nay đã được khẳng định. Ví như xưa có thuyết cho rằng, Hồ Quý Ly lấy đá núi An Tôn xây thành vì núi An Tôn gần đó, được cấu tạo bởi các khối đá khá vuông vắn, chồng xếp lên nhau. Qua thăm dò, khai quật, chúng tôi khẳng định, đá xây thành được lấy từ núi này. Tại chân núi, chúng tôi tìm được nhiều khối đá đã được đục đẽo nhưng chưa kịp vận chuyển đến nơi thi công, đặc biệt là lớp dăm đá dày tới 1,40m. Bên cạnh đó là các vật dụng hàng ngày, mảnh bát, đĩa, mảnh ngói… của công trường xưa. Thế nhưng, tất cả những gì đã nghiên cứu từ trước tới nay vẫn chỉ ở điểm khởi đầu. Toàn bộ thành nội vẫn còn nguyên, chưa có điều kiện nghiên cứu, trừ đàn tế Nam Giao đã phát lộ một nửa. 

- Sau khi Nam Giao phát lộ, hẳn các nhà nghiên cứu có thêm những góc nhìn mới về kiến trúc đàn?

- Đàn tế Nam Giao của Thành nhà Hồ có mặt bằng cổ nhất so với các loại hình đàn tế ở Việt Nam. Kiến trúc đàn có nét giao lưu với các loại hình đàn tế của các nước phương Đông nhưng lại có đặc điểm riêng biệt, rất Việt Nam. Xưa, đàn tế là một công trình cực kỳ quan trọng đó là nơi thiên tử tế trời, cầu quốc thái dân an, muôn vật sinh trưởng tốt tươi. Việc Hồ Quý Ly xây đàn, đích thân ra tế lễ, thể hiện tinh thần độc lập tự cường của dân tộc. Có thể nói, đây là di tích đàn tế cổ nhất tính tới thời điểm hiện tại. 

- Mới đây tỉnh Thanh Hóa phục dựng lại di tích đàn Nam Giao, theo ông việc phục dựng này đã đúng bài bản chưa?

- Thật ra không thể gọi là phục dựng mà chính xác phải là bảo tồn cấp thiết di tích đàn tế dưới lòng đất. Các hạng mục ở bên trên là để bù đất đá xói lở, giữ nguyên thành đá bên dưới. Việc này khiến nhiều người nhầm tưởng là xây mới.

- Cho đến nay, có nhiều người không tin vào thuyết Hồ Quý Ly xây xong tòa thành trong vòng 3 tháng. Bản thân ông có tin vào thuyết này không?

- Tôi không tin. Để làm một tòa thành như thế, nếu huy động hết các phương tiện hiện đại của thời nay, trong vòng 3 tháng cũng chưa xong. Để hoàn thiện, có khi phải mất hàng năm ròng. Nhiều tài liệu giờ có chỉnh lại là tháng 3 làm xong (tháng 3-1397) tức là đã làm trước đó và làm lúc nào thì không biết.

- Có giả thiết cho rằng, việc vận chuyển đá xây thành bằng đường thủy. Ông có ủng hộ quan điểm này không?

- Tôi khẳng định là không thể vận chuyển bằng đường thủy. Đá xây thành, khối nhẹ nhất cũng 10 tấn, còn không cũng trên dưới 26 tấn. Không có thuyền bè nào kham nổi. Chỉ có thể kéo bằng đường bộ, tận dụng sức người rồi voi, ngựa, trâu bò thôi. Các bi đá tìm thấy nhiều ở nội thành từng được cho là con lăn, nhưng tôi cũng không nghiêng về giả thiết này lắm. Đây rất có thể là đạn đá. Vì trong thành tìm thấy nhiều khối đá dùng để buộc vào máy bắn đá.

- Thưa ông, xây thành là công việc trọng đại quốc gia, tại sao cho đến giờ không tìm thấy một văn bản nào ghi chép về quá trình thi công của Hồ Quý Ly?

- Nhiều khả năng là do thất lạc trong chiến tranh. Sử biên niên chỉ đề cập đến vài dòng ít ỏi, như những gì hiện còn. Lúc xây thành Hồ Quý Ly chỉ là đại thần đứng đầu mà thôi. Theo thông lệ của sử biên niên, chỉ tập trung vào ghi các hành vi, sự kiện liên quan đến hoàng gia và nhà vua.

- Việc công nhận di sản Thành nhà Hồ là dịp một lần nữa nhìn nhận lại công lao của Hồ Quý Ly - người từng được giới sử học nhìn nhận ở nhiều mặt đối lập?

- Xưa nay có nhiều ý kiến nhìn nhận khác nhau về Hồ Quý Ly. Tôi chưa từng tham gia vào các cuộc thảo luận này. Nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu Thành nhà Hồ, tôi thấy, đây là nhân vật tích tích cực và tiến bộ vào thời điểm lịch sử đó. Ở ông toát lên tinh thần độc lập dân tộc, tự chủ tự cường. Điều này thể hiện qua việc ông xây dựng đàn Nam Giao.

- Ông đã bằng lòng với việc bảo tồn hiện nay của Thành nhà Hồ chưa?

- Di sản này có điều kiện để bảo tồn nguyên trạng. Cho đến nay, tất cả mới chỉ là bước đầu, trong thời gian tới cần có những phương án bảo tồn chống xuống cấp, xói lở, khai quật nghiên cứu trong lòng đất, diện mạo kiến trúc cung điện trong thành ra làm sao, rồi quy luật dân cư… Việc bảo tồn ở đây tôi nghĩ là thuận lợi vì không bị áp lực đô thị hóa và công nghiệp hóa.  

- Hiện công việc khai quật khảo cổ trong thời gian tiếp theo sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ con đường Hoàng gia -  trục xuyên Bắc Nam trong thành nội, bên cạnh đó tiếp tục khai quật và mở rộng diện tích đàn Nam Giao. 

- Xin cảm ơn ông!