Thành Ngưng: Sự cô đơn của người gánh lịch sử

ANTĐ - Khi Nguyễn Thành Ngưng bất ngờ tấm vé tham dự Olympic 2016 ở nội dung đi bộ 20km, rất nhiều quan chức ngành thể thao "nhảy vào" chúc tụng ngợi ca anh. Trong số ấy, có những người trước đó thậm chí chẳng quan tâmThành Ngưng là ai...

Nguyễn Thành Ngưng đang là cái tên hot nhất của làng thể thao nước nhà. Cách đây 1 tuần, VĐV đi bộ quê Đà Nẵng này đã bất ngờ thi đấu thành công ở nội dung đi bộ 20km tại giải Vô địch châu Á 2016, Nhật Bản.

Thành tích của Thành Ngưng là 1 giờ 23 phút 29 giây, trong khi chuẩn Olympic là 1 giờ 24 phút. Anh đã giành vé trực tiếp đến Olympic Rio 2016 trong sự ngỡ ngàng của rất nhiều người, nhất là của Bộ môn điền kinh - Tổng cục TDTT.

Không may mắn như người chị Thanh Phúc, Thành Ngưng không được liệt vào nhóm cần phải được đầu tư trọng điểm của ngành Thể thao. Mọi khoản chi phí cho việc luyện tập, thi đấu ở nước ngoài đều do đơn vị Đà Nẵng lo liệu. 

Thành Ngưng: Sự cô đơn của người gánh lịch sử ảnh 1

Thành Ngưng gây bất ngờ khi không phải là VĐV được ngành thể thao thực sự quan tâm

Ít ai biết rằng, ngay từ bé, Thành Ngưng đã thường phải lủi thủi một mình mà không mấy ai quan tâm. Hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến anh và cô chị Thanh Phúc không thể đi học như bao bạn bè đồng trang lứa, mà buộc phải theo nghiệp điền kinh, để vừa giảm gánh nặng cho gia đình, vừa tìm đường mưu sinh.

Cứ thế, tố chất của Thành Ngưng vẫn không được đánh giá cao từ giải này qua giải khác, cho đến khi tỏa sáng trong thời gian gần đây, và nhất là việc anh chạm tới ngưỡng lịch sử, giành tấm vé dự Olympic đầy bất ngờ cho thể thao Việt Nam. Cho đến lúc ấy, nhiều người mới vội và "nhảy vào" để chúc tụng anh cùng thành tích xưa nay hiếm. 

Nếu trước đó, đơn vị Đà Nẵng cũng "quay lưng" với Thành Ngưng, có lẽ chẳng bao giờ anh có cơ hội xuất hiện trên bản đồ điền kinh của Việt Nam. Thế mới biết, ngành thể thao nước nhà dường như vẫn còn quá hời hợt và thiếu chuyên nghiệp trong việc xác định VĐV trọng điểm, cũng như đầu tư xứng đáng dành cho họ.

Câu chuyện kinh phí là câu chuyện muôn thuở. Người ta không thể lấy chuyện "thiếu kinh phí" ra để lý giải cho việc bỏ sót những nhân tài, nhất là những VĐV được coi là của hiếm khi giành vé trực tiếp đi Olympic. 

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 9 suất chính thức đi Olympic, là Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (bắn súng), Nguyễn Thị Lụa, Nguyễn Thị Hằng (vật), 3 VĐV cử tạ và Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh). Hy vọng rằng, sự kiện Thành Ngưng bất ngờ giành vé sẽ là bài học đắt giá cho ngành thể thao. Để những người "gánh lịch sử" cảm thấy những hy sinh mà họ bỏ ra được trân trọng một cách xứng đáng hơn.