Thanh long ùn ứ từ cửa khẩu tới vựa trồng: Không thể cái gì cũng “đổ đầu” Bộ Nông nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thanh long hiện đang bị rớt giá do tình trạng ùn tắc cửa khẩu tại khu vực cửa khẩu phía Bắc. Nhiều địa phương muốn hỗ trợ tiêu thụ thanh long.

Tại Diễn đàn Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa do Bộ NN&PTNT tổ chức trực tuyến ngày 31/12, nhiều địa phương như Long An, Bình Thuận bày tỏ đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ thanh long.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, từ nay đến hết tháng 2/2022, toàn tỉnh dự kiến thu hoạch 120.000 tấn thanh long. Đây là sản lượng rất lớn cần tiêu thụ trong mùa tết.

Hiện nay, tiêu thụ thanh long Bình Thuận đang gặp nhiều khó khăn do xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, mà phần lớn là đi qua đường tiểu ngạch tiểu ngạch.

Tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu biên giới phía Bắc còn căng thẳng. Các chính sách xuất nhập khẩu sắp tới của Trung Quốc cho thấy 1 tháng tiếp theo mặt hàng thanh long gần như không thể đi qua thị trường nước này. Điều này khiến giá thanh long đang sụt giảm mạnh.

Thanh long đang rớt giá do tình trạng ùn tắc xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc

Thanh long đang rớt giá do tình trạng ùn tắc xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc

Trước đó, giá thanh long ruột đỏ đang ổn định từ 29.000-32.000 đồng/kg thì 3 ngày trước xuống còn 25.000 đồng/kg.

Giá thanh long ruột trắng từ 18.000-19.000 đồng/kg, 3 ngày trước giảm chỉ còn 12.000-14.000 đồng/kg.

Đến hôm nay, ngày 31/12, ông Tấn cho biết, giá thanh long ruột trắng loại 1 chỉ còn 7.000-8.000 đồng/kg.

Tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, Bình Thuận đang tồn 400-500 xe container thanh long. Trong tỉnh, năng lực chế biến còn hạn chế, năng lực lưu kho cũng có hạn. Vì thế, ông Tấn đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ tiêu thụ giúp thanh long Bình Thuận ở thị trường nội địa.

Tương tự, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An- bà Đinh Thị Phương Khánh cũng cho biết, trái thanh long của tỉnh đang trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng. Trước đó, các thương lái đã chấp nhận thu mua thanh long cho bà con nông dân với giá 22.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, đến khi các cửa khẩu biên giới phía Bắc ngừng thông quan hàng hóa đi Trung Quốc, hàng loạt nhà kho đóng cửa, hủy hợp đồng, không thu mua thanh long của thương lái.

Tỉnh Long An hiện còn khoảng 200 xe container thanh long cần quay đầu. Vì thế, bà Khanh đề nghị các tỉnh phía Bắc tạo điều kiện về bến bãi, giúp nhà xe và doanh nghiệp bán xả hàng bán giảm lỗ.

Trước ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị: Chính các doanh nghiệp cũng phải phải có trách nhiệm, chứ Bộ NN&PTNT không thể làm thay hết tất cả các phần việc.

"Khi chính quyền các tỉnh thành phía Bắc thông báo tình trạng ùn ứ, khuyến cáo ngưng đưa hàng lên miền Bắc tiêu thụ thì các doanh nghiệp có chịu nghe và làm theo hay không? Đừng cứ việc gì cũng đè đầu Bộ NN&PTNT mà quy trách nhiệm", Thứ trưởng bày tỏ.

Theo đó, hiện Bộ NN&PTNTB đã và đang tích cực làm việc với phía Trung Quốc để tìm hướng tháo gỡ. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng phải nỗ lực đáp ứng yêu cầu khi xuất khẩu.