Thành lập trung tâm hỗ trợ khách du lịch: Chưa có cơ chế xử phạt rõ ràng

ANTĐ - Cùng với việc các khu vực trọng điểm về du lịch đang gấp rút thành lập các Trung tâm hỗ trợ du khách, Tổng cục Du lịch đang tỏ rõ quyết tâm trong việc dẹp bỏ hành vi cướp giật, chèo kéo, đeo bám, chèn ép… du khách, những hiện tượng tiêu cực ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch ở Việt Nam.

Cần sớm thành lập thêm những trung tâm hỗ trợ khách du lịch trên cả nước

Xử lý hiệu quả các hiện tượng tiêu cực 

Đầu tháng 8 vừa qua, bộ phận hỗ trợ khách du lịch Hà Nội chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ 47 Hàng Dầu, nằm đối diện với hồ Hoàn Kiếm – địa điểm mà nhiều du khách đặt chân đến đầu tiên khi tới thăm Thủ đô. Đây là đầu mối cung cấp thông tin du lịch xác thực, tin cậy cho du khách. Hiện nay, bộ phận này đang có những ấn phẩm miễn phí cho du khách bằng nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn…, trong đó có niên giám khách sạn cũng như các hãng lữ hành vận chuyển khách du lịch đạt tiêu chuẩn chất lượng cho du khách tham khảo. Bên cạnh chức năng là kênh thông tin chính thống cho khách du lịch đến Hà Nội, sau gần một tháng đi vào hoạt động, thông qua đường dây nóng, bộ phận hỗ trợ khách du lịch đã giải quyết hàng chục trường hợp liên quan đến các hành vi lừa đảo, chèn ép du khách…

Theo chị Trịnh Hoàng Anh – nhân viên của bộ phận này, bộ phận đã tiếp nhận và xử lý nhiều trường hợp khiếu nại của du khách nước ngoài. Điển hình trong đó có thể kể đến là việc giải quyết khiếu nại của du khách người Tây Ban Nha mất cắp hành lý tại khách sạn Camel City Hotel (Đào Duy Từ) hôm 2-8, hay trường hợp du khách người Pháp bị “taxi dù” tính đội giá cước lên 200.000 đồng cho một đoạn đường từ phố Trần Nhật Duật về Lò Sũ (ngày 12-8)… Xác định tính chất của vụ việc, ngay khi tiếp nhận đơn trình báo, Thanh tra Sở đã phối hợp với các đội An ninh, Sở GTVT… điều tra và xử lý nhanh chóng các vụ việc, trả lại tài sản cho du khách. Theo ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội, bước đầu bộ phận đã phối hợp giải quyết kịp thời các trường hợp du khách phản ánh. 

Nhân rộng ra các tỉnh, thành

Cùng với Hà Nội, Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam) – những trọng điểm du lịch của cả nước đã đi đầu trong việc thành lập Trung tâm thông tin, hỗ trợ du khách. Đây cũng là những mô hình cho các địa phương học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, ngoài các địa phương đã hoàn thành thì một số địa điểm du lịch tiếp đón số lượng du khách lớn như Hạ Long, Sa Pa… cũng đang đề xuất thành lập trung tâm hỗ trợ khách du lịch. Đặc biệt, đối với TP.HCM có một số tính chất phức tạp về trật tự an toàn xã hội, trong quý IV-2013, Tổng cục Du lịch cũng sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Ban Chỉ đạo phát triển du lịch của thành phố để có kế hoạch thành lập trung tâm này. Dự kiến, từ nay đến cuối năm sẽ thành lập từ 6-10 trung tâm ở các khu vực trọng điểm về du lịch trên cả nước. 

Cũng theo ông Nguyễn Quý Phương, mạng lưới các trung tâm hỗ trợ, bảo vệ khách du lịch ở Việt Nam hiện nay bước đầu đã hình thành địa điểm tiếp nhận thông tin, còn vấn đề xử lý vi phạm thì vẫn chưa có cơ chế ràng buộc rõ ràng. Chẳng hạn đối với nhiều du khách nước ngoài chỉ lưu lại Việt Nam trong một vài ngày, rất cần thiết phải có quy định giải quyết trong vòng 24 giờ để đảm bảo công bằng cho du khách. Đối với những hành vi lừa đảo, xâm hại du khách có chủ đích, thì lực lượng chức năng, trong đó cụ thể là lực lượng cảnh sát về trật tự an toàn xã hội vẫn phải vào cuộc để điều tra, ngay cả trong trường hợp du khách chưa đưa ra được chứng cứ, nhận diện cụ thể. Nếu cần thiết, một số địa bàn trọng điểm đã từng xảy ra những vụ việc nghiêm trọng về an ninh có thể thí điểm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch theo như chỉ đạo của Chính phủ.

Thêm vào đó, hiện nay, vì chưa có cơ chế phối hợp liên ngành xử lý nên vẫn còn nhiều phức tạp, chồng chéo trong quy định mức xử phạt. Một số hành vi vi phạm đặc thù trong môi trường du lịch như chở khách trái quy định, làm giả, “nhái” thương hiệu du lịch… vẫn do các cơ quan chức năng khác xử lý. Để tháo gỡ vấn đề này, ông Mai Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội khẳng định, ngoài việc mở thêm đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách, Sở đang mở rộng phạm vi liên lạc với các cơ quan có thẩm quyền để cùng phối hợp khi có vi phạm xảy ra. Về phía Tổng cục Du lịch, từ nay cho đến hết năm 2013 sẽ tiến hành kiểm tra các địa bàn trọng điểm và ban hành cơ chế phối hợp liên ngành cụ thể trong vấn đề này.