Thanh khoản thu hẹp, các ngân hàng liệu có tăng lãi suất?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tăng trưởng cho vay lớn hơn so với tăng trưởng huy động vốn khiến nhiều ngân hàng không còn quá dư thừa tiền. Điều này đặt ra câu hỏi liệu thời gian tới các ngân hàng có tăng lãi suất?

Thanh khoản các ngân hàng thu hẹp đáng kể

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo hoạt động thị trường tiền tệ trong tuần đến ngày 11/6.

Theo đó, từ báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê cho thấy, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 694.551 tỷ đồng, bình quân 138.910 tỷ đồng/ngày. Con số này tiếp tục tăng thêm 22.686 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.

Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 170.770 tỷ đồng, bình quân 34.154 tỷ đồng/ngày, tăng 4.593 tỷ đồng/ngày so với tuần trước.

Liên tục trong những tuần gần đây, doanh số giao dịch thị trường liên ngân hàng tăng, cho thấy thanh khoản các ngân hàng đang “căng” hơn.

Tuy nhiên, về lãi suất thì tuần này lại có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng giảm lần lượt 0,39/năm, 0,26%/năm và 0,15%/năm xuống mức 1,06%/năm, 1,29%/năm và 1,66%/năm.

Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần tương đối ổn định, dao động nhẹ so với tuần trước. Cụ thể: lãi suất một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm và 01 tháng tăng 0,01%/năm và 0,03%/năm lên mức 0,11%/năm và 0,22%/năm, trong khi, kỳ hạn 01 tuần giảm 0,02%/năm xuống mức 0,1%/năm.

Các ngân hàng đang tăng vay mượn lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng

Các ngân hàng đang tăng vay mượn lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng

Thanh khoản các ngân hàng thu hẹp đáng kể còn thể hiện ở con số tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng cho vay. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 21/5 đạt 4,67% (cao hơn nhiều so với con số khoảng 2% trong 5 tháng đầu năm 2020). Như vậy, tính từ đầu năm, đã có khoảng trên 400 nghìn tỉ đồng vốn được vay từ hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn tính tới ngày 21/5/2021 mới chỉ đạt 2,68%, tương đương mức tăng vào cuối tháng 5/2020. Tính ra, từ đầu năm tới thời điểm này, mới có hơn 260 nghìn tỉ đồng được hút vào hệ thống qua kênh huy động vốn ngân hàng, thấp hơn 140 nghìn tỷ đồng so với tổng số tiền các ngân hàng cho vay ra nền kinh tế.

Lãi suất cho vay sẽ phân hóa mạnh

Việc các ngân hàng không còn quá dư thừa tiền như hồi đầu năm khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc lãi suất thời gian tới liệu có tăng?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Trung tâm Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI - SSI Research, hiện nguồn cung tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng vẫn rất ổn định. Đặc biệt, sẽ có một lượng lớn tiền đồng được NHNN bơm ra từ các giao dịch mua ngoại tệ có kỳ hạn được thực hiện trong tháng 7-8 tới.

Lượng lớn tiền đồng sắp được NHNN bơm ra là số tiền đáo hạn của gần 7 tỷ USD các ngân hàng thương mại đã bán về NHNN trong 2 tháng đầu năm theo dạng kỳ hạn 6 tháng. Con số này tương đương khoảng 157.000 tỷ đồng sẽ được bơm ra thị tường tại thời điểm đáo hạn tháng 7 và 8.

Trường hợp các hợp đồng bán ngoại tệ này không bị hủy ngang và không có các động thái trung hòa của NHNN như phát hành tín phiếu để hút tiền về, thì việc có tới 157.000 tỷ tiền đồng được bơm ra thị trường sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Vì vậy, các chuyên gia đánh giá chưa có áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn.

Còn theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, lãi suất thời gian tới có tăng hay không chủ yếu phụ thuộc vào chính sách của NHNN. Theo vị chuyên gia, trong khoảng 5 năm trở lại đây, NHNN quản lý chặc về việc các ngân hàng tăng lãi suất để huy động vốn, nên sẽ khó xảy ra tình trạng đua nhau tăng lãi suất huy động như năm 2012. Do đó, ông cho rằng khó có sự đột biến về lãi suất huy động, nhưng xu thế tăng khoảng 0,5% - 1% ở kỳ hạn 1 năm là có khả năng xảy ra

Còn đối với lãi suất cho vay, TS Đinh Thế Hiển cho rằng sẽ có sự phân hóa. Cụ thể, doanh nghiệp tốt vẫn được hưởng lãi suất cho vay thấp, còn với các doanh nghiệp có độ rủi ro cao, ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất để bù đắp rủi ro.

Vị chuyên gia cho biết, trong quý I/2021, các ngân hàng báo lãi rất lạc quan nhưng thực tế nhiều DN vẫn đang rất khó khăn, không có khả năng trả nợ đúng hạn và đang được ngân hàng giãn nợ theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Đối với các doanh nghiệp này, một số ngân hàng đang phải đối mặt với nợ xấu, không có dòng tiền chảy về, dù trên báo cáo tài chính, lợi nhuận vẫn tốt. Do đó, với thanh khoản hiện nay, các ngân hàng vẫn có nguồn tiền để cho vay, vấn đề là doanh nghiệp có tạo được niềm tin cho ngân hàng về khả năng trả nợ hay không.