Thành công nhờ... bê bối

ANTĐ - Khi những tiết lộ về tài khoản ngân hàng ở nước ngoài khiến vị Bộ trưởng Ngân sách của Pháp buộc phải từ chức, vụ bê bối chấn động đã mang lại cảm giác hài lòng cho ít nhất một góc nhỏ Paris, nơi đặt văn phòng của một trang tin tức mới thành lập được 5 năm mang tên Mediapart.

Thành công nhờ... bê bối ảnh 1
Văn phòng Mediapart một ngày tháng 7-2010. Ảnh: AFP 

Bé hạt tiêu

Bắt đầu từ tháng 12-2012, các phóng viên của Mediapart đăng bài viết về ông Jérôme Cahuzac – vị Bộ trưởng Ngân sách đương nhiệm đã có hành vi trốn thuế từ những năm làm bác sĩ phẫu thuật. Chi tiết này hẳn sẽ không được chú ý nếu như không rơi đúng vào thời điểm Tổng thống Hollande tuyên bố sẽ trấn áp các hành vi gian lận thuế, và trách nhiệm giao cho Bộ trưởng Cahuzac. Sau các cáo buộc của Mediapart, Bộ trưởng Cahuzac bác bỏ quyết liệt, thậm chí, trong một bài phát biểu đáng nhớ trước Quốc hội Pháp, ông này khẳng định “không phải bây giờ và không bao giờ” giấu tiền ở nước ngoài. 

Một thời gian ngắn sau, Mediapart đăng một cuộc trò chuyện được ghi âm từ năm 2000, trong đó người ta có thể nghe thấy ông Cahuzac lo lắng cho rằng tài khoản ngân hàng Thụy Sĩ của mình có thể bị tiết lộ. Thật bất ngờ, cuối tháng 3-2013, ông Jérôme Cahuzac đã từ chức ngay khi cơ quan hữu trách công bố mở cuộc điều tra thông tin của Mediapart. 

Vụ việc đã được báo chí mô tả là “một trong những vụ bê bối ầm ĩ nhất” mà nước Pháp chứng kiến ​​trong nhiều thập kỷ. Ông Cahuzac đã buộc phải thừa nhận rằng có khoảng 600.000 euro cất giấu trong tài khoản ở Thụy Sĩ và Singapore. Sau 4 tháng công khai bác bỏ, ông đã rời nhiệm sở trong im lặng, và đến thời điểm này nếu bị kết tội gian lận, Cahuzac có thể phải đối mặt với hình phạt lên đến 5 năm tù giam và 375.000 euro tiền phạt.

Việc phanh phui scandal của một vị Bộ trưởng nội các đương nhiệm khiến nhiều người chú ý hơn đến tờ báo Mediapart, dù đó chỉ là một trang tin nhỏ. Không chỉ có vậy, tuy mới tồn tại được 5 năm nhưng trang web này đã gây bất ngờ khi công khai một loạt các scandal đình đám khác: Gần đây là các cáo buộc về lạm dụng quỹ tranh cử của ông Nicolas Sarkozy, vị Tổng thống vừa mãn nhiệm hiện nằm trong diện điều tra chính thức của cảnh sát. Trước đó, Mediapart cũng đã tiết lộ thông tin về mối liên hệ của cựu Tổng thống Sarkozy đến một thỏa thuận buôn bán vũ khí với Karachi, có tài liệu cho thấy nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi có thể đã tìm cách tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy năm 2007…

Mạo hiểm khai phá

Sự dũng cảm điều tra tiêu cực của Mediapart không chỉ “chọc giận” giới chính trị gia mà còn gây “khó chịu” cho các phương tiện truyền thông truyền thống của Pháp. Như  khi Mediapart tập trung vào câu chuyện của Bộ trưởng Cahuzac trong nhiều tháng, các hãng tin đặt câu hỏi liệu các thông tin đó có thật hay không. Thậm chí, “chúng tôi còn bị chính các đồng nghiệp coi thường, nói với chúng tôi rằng điều đó vô nghĩa”, người đồng sáng lập Mediapart Laurent Mauduit tâm sự.

Mediapart ra đời năm 2008 bởi nguyên Tổng biên tập tờ Le Monde danh tiếng của Pháp - Edwy Plenel và các đồng sự nguyên là phóng viên báo in. Ông Edwy Plenel cho rằng phương tiện truyền thông một khi gắn bó quá chặt chẽ với lợi ích chính trị thì không thể giữ được tính độc lập của báo chí. Ngay từ đầu, họ quyết định không đăng quảng cáo mà kiếm tiền bằng đặt báo theo năm với mức phí hiện nay 90 euro (khoảng 120 USD).

Vào thời điểm đó, mô hình kinh doanh của họ dường như không khả thi. “5 năm trước không ai tin tưởng vào dự án của chúng tôi. Mọi người đều nói, tờ báo sẽ không sống nổi”, Chủ tịch Edwy Plenel nói. Ông Plenel cho biết, thời điểm rời Le Monde năm 2008, ông đã quyết định cho thấy mọi người sẵn sàng trả tiền cho thông tin giá trị cao, đặc biệt là những thông tin mà các tờ báo theo phong cách cũ né tránh. 

Trước sự ngạc nhiên của nhiều người, số lượng đăng ký theo dõi tờ báo tăng đều do các độc giả tìm thấy những sự thật “động trời” mà không báo nào có. Hiện giờ họ đã có 62.000 thuê bao. Năm ngoái, Mediapart với khoảng 30 nhà báo đã thu về lợi nhuận khoảng 600.000 euro. Trước sự cạnh tranh của nhiều tờ báo điện tử miễn phí khác, Chủ tịch Mediapart, ông Plenel khẳng định: “Các nhà báo phải bảo vệ giá trị tác phẩm của mình. Trong thời đại cách mạng kỹ thuật số, chúng tôi phải chứng minh giá trị của thông tin cho công chúng”.

Còn nhớ năm 2010, khi Mediapart công khai bê bối tài chính trong chiến dịch tranh cử của ông Sarkozy, website mới thành lập được 2 năm và nhân viên tòa báo đã bị các chính trị gia phỉ báng. Văn phòng của họ (chỉ cách Bộ Ngân sách một đoạn ngắn) bị đột nhập lấy đi toàn bộ máy tính của các nhà báo theo dõi vụ việc. Fabrice Arfi, 31 tuổi, đứng đầu nhóm điều tra, cũng như các cuộc điều tra về hành vi trốn thuế của Cahuzac sau này từng bị đe dọa tính mạng. “Chúng tôi như những chiếc thuyền nhỏ chống lại các tàu biển lớn. Chính sự giám sát, đột nhập và lời dọa chết đã tạo nên tinh thần đoàn kết tại Mediapart ”, Arfi đã viết về nghề làm báo của mình trên tờ Libération.

Rất giống như vụ bê bối Watergate những năm 1970 đã tạo ra cả một thế hệ phóng viên điều tra ở Mỹ, trang tin này dường như khuyến khích báo chí Pháp đào sâu hơn về các bê bối. “Điều này sẽ buộc các phương tiện truyền thông truyền thống khôi phục năng lực điều tra của họ”, ông Jean-Marie Charon, một chuyên gia truyền thông tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp nhận định.