"Thằng em dại" của chúng tôi

ANTĐ - “Thằng em dại” là cách xưng hô thân mật, ẩn trong đó sự mến mộ và thân ái của NSND Nguyễn Trọng Khôi gọi Hoàng Hồng Cẩm. Tôi biết và chơi với Hoàng Hồng Cẩm từ hồi Cẩm còn để tóc rất điệu và bộ ria sâu róm. Với chúng tôi, Hoàng Hồng Cẩm thuộc loại em út, nên Cẩm gọi chúng tôi bằng anh rất trân trọng.

Chân dung họa sỹ Đinh Quanh Tỉnh do Hoàng Hồng Cẩm vẽ

Hồi ấy, ở tòa nhà 7 tầng trong “Liên cơ” 51 Trần Hưng Đạo của các Hội LHVHNT Việt Nam, có khi cả ngày Cẩm chỉ loanh quanh leo lên rồi lại leo xuống tòa nhà đó, la cà từ tầng 3, vào phòng của TTK Hội Mỹ Thuật “xin” ly rượu ngoại, rồi chậm rãi đếm bậc lên tầng 4, vào phòng anh Trọng Khôi TTK Hội Sân khấu, “vòi” điếu thuốc lá thơm “3 số”, mượn quẹt ga của nhạc sỹ Hồng Đăng mồi lửa phì phèo điếu thuốc trên môi, đoạn thong thả bấm nút thang máy lên tầng 6 vào phòng anh Phạm Tiến Duật, TBT Tạp chí Diễn đàn “làm tạm” miếng cá hồi với ly rượu thuốc…Cho đến khi Cẩm tụt xuống được tầng 1, về được Tạp chí Âm nhạc thì đã say khượt, người rũ rượi, nhầu nhĩ hệt như tấm áo tơ tằm Cẩm vắt trên vai…Và cũng vào một ngày say như vậy của năm 2002, họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm đã vẽ tôi trong phòng làm việc của anh Ngô Thảo khi ấy đang giữ chức Phó TTK thường trực Hội Sân khấu Việt Nam. Bức tranh này tôi treo trong phòng làm việc như một kỷ niệm đẹp về một con người có một không hai trên đời này mà tôi được biết và quen thân.

“Lá vàng còn đó, lá xanh rụng rồi!” bức chân dung Cẩm vẽ tôi vẫn còn tươi nét mực, mà “Thằng em dại” đã vội vã vĩnh biệt cõi trần, vĩnh biệt những người yêu tranh và yêu Cẩm vào rạng sáng ngày 27-10-2011. Một ngày cuối thu buồn như không thể buồn hơn.

Hoàng Hồng Cẩm sinh ngày 24-9-1959, là con út của cố hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn, người đã có chuyến xe “Độc mã” xuyên Việt để đắm mình trong hội họa và đem nhiều nụ cười vào hội hoạ hàn lâm qua phương pháp “Tinh tướng họa” và ông đã đem vào tranh nhiều mối tình không thể nhớ hết. Ông là một nghệ sỹ “lâp dị”, có lần tôi viết “Dũng còn lâu mới “khùng” bằng cha mình” là nói về đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (Dũng Khùng) con trai nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Nhưng ngược lại, cho dù ông hoạ sĩ Hoàng Lập Ngôn chơi trội đến “phát khiếp” một thời cũng không thể so với ông con trai quý tử “bán trời không sổ đỏ” Hoàng Hồng Cẩm, vì Cẩm chỉ coi trời nhỏ bằng cái lỗ đồng xu mà thôi. Bởi thế, lần nào gặp thằng em dại tôi cũng bị hắn làm cho “vỡ tim” bởi những tình thế hóc hiểm khôn lường. Năm ngoái, nhằm ngày giỗ bố của Thiện Nhọ, vợ chồng tôi đến thắp hương tưởng ông Xuân, ông bằng vai với bố tôi. Dâng lễ xong, tôi “đụng” nguyên một “băng” khủng, Cẩm chơi ngang thưng với tốp “con nhà” mà nghe đến tên là trời như muốn sập. Những tín đồ ngoan đạo gồm: Hitachi, Thiện Nhọ, Tiến Giám, Phan Tùng, Trọng Bờm, Cẩm Rồ... Cả hội, trong đó kể cả tôi và Cẩm đều đã mất cha. Chỉ duy nhất Trọng Bờm là còn bố. Do vậy, ở một ý nghĩa mơ hồ nào đó - chúng tôi như những đứa con mất cha tìm đến với nhau. Cả hội khùng điên đã đành rồi, nhưng Cẩm Rồ, là hạng khùng bậc nhất.

Chúng tôi họp mặt trong phòng riêng của Thiện. Các mâm khác, khách đã cơm no rượu say, ra về từ chập choạng tối. Gia chủ cũng đã thu dọn gọn ghẽ mâm bát, nhà cửa, chỉ còn lại mâm con cháu khủng thì vẫn ồn ào như vừa khai cuộc. Nửa đêm, Cẩm say quá, ở trần vì áo dính toàn rượu và thức nhắm, với cái đầu trọc lóc, đưa bàn tay trái lên ngực niệm chú, chẳng nói chẳng rằng như đang muốn “hóa”, trông mặt hắn đến phát khiếp. Bỗng miệng Cẩm mấp máy ra nhời: “Anh Ba đâu, đi mua ngay cho thằng em cái áo, nếu không, nó bị cảm thì đừng có mà hối…”. Gần nửa đêm, kiếm đâu ra cửa hàng bán áo ở nơi ven hồ Thành Công này, nghĩ vậy nhưng tôi cùng bà xã vẫn phóng xe vòng vo mấy lượt phố và cuối cùng cũng mua cho Cẩm được một tấm áo “phông” rất diện. Mặc áo mới tươm tất, Cẩm như tỉnh rượu, nói rất tình cảm: “Chỉ có anh Ba mới thương thằng em dại này thôi”. Viết đến đây tôi se se nơi sống mũi…

Hoàng Hồng Cẩm là một hoạ sĩ đầy cá tính cả trong hội họa lẫn ngoài cuộc đời, điên điên, dại dại, khù khờ nhưng rất liều mạng. Cẩm có tật thường nhắc nhở, xét nét bất kỳ người phụ nữ nào ngồi trước mặt, trong tiệc rượu cũng như trong giao tiếp, khiến nhiều người chưa hiểu tính Cẩm rất e ngại, bực bội nhiều khi xấu hổ hết chỗ nói… kiến thức văn hóa ứng xử của Cẩm rất sâu sắc và mực thước, cũng là một nét lạ lùng. Cẩm hát Quan họ không những hay mà còn thuộc nhiều điệu Quan họ cổ. Tuy vậy, cũng không thể lấn át được niềm say mê hội họa, nghiệp vẽ đã tìm đến Cẩm ngay từ tấm bé và khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, thì hội họa như nhập vào tâm khảm Hoàng Hồng Cẩm. Tranh của Cẩm thoáng nhìn thì giản đơn nhưng ngắm lâu mới thấy cái đẹp, cái lặng lẽ cô đơn và man mác buồn ẩn sâu trong từng nét vẽ, mảng màu tài hoa và độc đáo. Không phải ai cũng nhìn thấy vẻ đẹp ẩn chứa trong tranh của Cẩm. Chỉ biết rằng, giờ đây trong một căn phòng khách Víp nào đó, treo một bức màu dầu 0,80 x 100 của Hoàng Hồng Cẩm thì chắc chắn căn phòng đó sẽ đẹp đẽ và sang trọng vô cùng.

Thật hiếm có một người hơn 30 năm làm việc trong biên chế, có công đóng góp một tiếng nói, một phong cách nghệ thuật độc đáo, sang trọng trong nghệ thuật tạo hình đương đại, mà không một bằng khen, không một tấm huân chương trên ngực và càng  không giữ một chức vụ nào, Cẩm hẳn là một “Phó thường dân” trọn đời.

Vậy mà, khi nhắm mắt xuôi tay, Cẩm lại được hưởng một đám ma to đến vậy: Các bậc văn nghệ sĩ lão thành, lãnh đạo các hội, anh em văn nghệ sĩ, bạn bè xa gần, người thân, tang quyến…một đoàn người ngập tràn hoa tươi, Hà Nội buồn đau vĩnh biệt một con người tử tế, một nhân cách nghệ sỹ độc đáo, ấn tượng - Hoàng Hồng Cẩm