Thận trọng với những bẫy lừa tuyển dụng lao động

ANTĐ - Theo thống kê của các đơn vị chức năng Bộ Công an, một vài năm trở lại đây, hoạt động của tội phạm lừa đảo xuất khẩu lao động đã giảm tính chất phức tạp, nhức nhối, do công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, cùng những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt của cơ quan Công an. Tuy nhiên mỗi năm vẫn có hàng tỷ đồng của người dân ở nhiều tỉnh, thành phố “bay hơi” bởi loại tội phạm này. Những sự việc đó đã làm cho thị trường xuất khẩu lao động đầy tiềm năng trở nên rối ren, người lao động hoang mang trước thông tin tuyển dụng “thật giả lẫn lộn”. 
Thận trọng với những bẫy lừa tuyển dụng lao động ảnh 1

Nghìn lẻ các “chiêu trò” lừa đảo

Phổ biến nhất là hiện tượng thành lập công ty với tên gọi mập mờ “tư vấn du học”, tư vấn xuất khẩu lao động, từ đó quảng cáo hoặc tung chân rết về các vùng miền, tiếp nhận tiền, hồ sơ của những người dân nhẹ dạ, thiếu thông tin. Đối tượng viết phiếu thu, cũng tổ chức tập trung người bị hại để học ngoại ngữ, làm visa, sau đó… hứa hẹn rồi bỏ trốn. Dạng lừa này thường tập trung vào các công ty TNHH, không có chức năng tuyển người đi xuất khẩu lao động.

Một “chiêu” khá phổ biến khác, là đăng thông tin trên Internet với nội dung hấp dẫn như: xuất cảnh nhanh, công việc ổn định, lương cao, chi phí thấp, không đòi hỏi trình độ tay nghề cao, ngoại ngữ, sức khỏe... Tuy nhiên, đây đa phần là những thông tin có tính chất lừa đảo. Bởi, người lao động muốn đi xuất khẩu lao động phải đáp ứng đủ các điều kiện về sức khỏe, ngoại ngữ, kỹ năng nghề, hiểu biết về pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán nước đến làm việc, và trước khi xuất cảnh phải được đào tạo ít nhất 4 tháng. “Người dân khi tiếp nhận những thông tin kiểu này cần thận trọng xác minh và báo ngay đến cơ quan chức năng những dấu hiệu bất thường”, một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV CATP Hà Nội khuyến cáo.

Tinh vi nhất là thủ đoạn sử dụng, làm giả giấy tờ, hồ sơ, hợp đồng lao động đi làm việc tại nước ngoài. Mới đây, cơ quan điều tra CATP Hà Nội đã làm rõ vụ lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, qua đó chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng của đối tượng Chu Đình Huy, trú tại khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Chu Đình Huy đã mạo danh là nhân viên Công ty CP Xuất khẩu lao động và dịch vụ vận tải thủy miền Nam, lợi dụng giấy phép hoạt động, phiếu thu tiền của công ty này (chi nhánh tại Hưng Yên) để lừa đảo. Khoảng 200 người lao động ở hơn 10 tỉnh, thành phố trong cả nước đã trở thành nạn nhân của Chu Đình Huy.

Theo CQĐT, một hình thức lừa đảo khá phổ biến nữa là các đối tượng dụ dỗ người lao động đi xuất khẩu “chui” dưới hình thức du lịch, du học, thăm người thân, kết hôn giả. Điều nguy hiểm của thủ đoạn này là người bị hại vừa mất tiền, vừa không tìm được việc làm, lại đứng trước nguy cơ bị nhà chức trách nước sở tại bắt, phạt tiền, phạt tù, thậm chí mất cả tính mạng. Bất nhân hơn, có đối tượng, đường dây lừa đảo còn lợi dụng sự nhẹ dạ, hứa hẹn đưa những cô gái trẻ sang nước ngoài làm việc với thu nhập cao, nhưng đã bán họ vào động mại dâm.

Tỉnh táo trước thông tin tuyển dụng

Hoạt động xuất khẩu lao động ở Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài tính đến tháng 9-2015 là 90.558 lao động, vượt mục tiêu cả năm và tăng 8.62% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Tống Hải Nam, Phó cục trưởng, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, người lao động cần phải tỉnh táo trước thông tin tuyển dụng. Theo quy định của pháp luật, trước khi đi xuất khẩu, người lao động phải được đào tạo 74 tiết về nghiệp vụ, thông tin luật pháp, văn hóa… của nước sở tại và từ 1-3 tháng về ngoại ngữ tùy trường hợp. Nếu tuyển chọn lao động xuất khẩu ở các đơn vị, địa phương khác thì doanh nghiệp phải xuất trình giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động với đơn vị cung cấp lao động hoặc sở LĐTB&XH sở tại. Sau khi tuyển chọn, doanh nghiệp phải trực tiếp tổ chức các khóa đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động. Thủ tục bắt buộc hoàn thiện là người lao động phải được làm hồ sơ cá nhân, sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương, giấy chứng nhận sức khỏe, thời hạn hợp đồng, điều kiện làm việc, tiền lương… 

Không chỉ bị lừa bởi các cá nhân, tổ chức không được cấp phép, người lao động nhiều khi bị mất tiền oan bởi cả doanh nghiệp có giấy phép tuyển dụng và đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hình thức phổ biến nhất là thu phí vượt mức quy định. Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo quy định của pháp luật doanh nghiệp đưa lao động sang Đài Loan làm việc chỉ được phép thu tối đa 4.000 USD/người (bao gồm cả phí môi giới), nhưng thực tế người lao động vẫn đang phải trả mức phí cao hơn rất nhiều. Việc thu phí quá cao so với quy định không chỉ gây hại đến quyền lợi của người lao động, mà còn dẫn tới việc người lao động bỏ trốn sau khi hết hạn hợp đồng, ở lại bất hợp pháp với mong muốn kiếm tiền bù đắp lại chi phí đã bỏ ra.

Bên cạnh đó, theo cảnh báo của điều tra viên Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an Hà Nội, để đi xuất khẩu lao động chính danh, không có nghĩa cứ có sự liên quan đến người nước ngoài là cơ hội sẽ tăng với người lao động. Thực tế, tội phạm sẵn sàng thuê hoặc móc nối với một số người nước ngoài để thực hiện hành vi lừa đảo. Điều này được minh chứng trong vụ án Nguyễn Thị Mai Anh, Giám đốc Công ty CP Cung ứng nguồn nhân lực Hòa Thuận (trụ sở tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Nam Jae-hoon, quốc tịch Hàn Quốc.

Trong thời gian dài, Công ty Hòa Thuận mặc dù không có chức năng xuất khẩu lao động, nhưng Nguyễn Thị Mai Anh vẫn sử dụng mác giám đốc và mượn danh nghĩa một số công ty có chức năng xuất khẩu lao động, hứa hẹn với nhiều người là có khả năng đưa người đi lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc với giá 9500 USD/người. Trong vụ án này, Mai Anh đã nhận được sự trợ giúp đắc lực của Nam Jae-hoon, vốn là khách du lịch sang Việt Nam. Và, cho đến khi bị bắt, Mai Anh đã nhận hồ sơ, thu của 54 người lao động ở nhiều địa phương với tổng số tiền gần 308.000 USD và hơn 1 tỷ đồng. 

Thận trọng để tránh bị lừa

Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, một trong những nguyên nhân người lao động “sập bẫy” là do sự nhẹ dạ cả tin, không tìm hiểu kỹ chính sách từ các cơ quan đáng tin cậy. Để tránh bị mất tiền oan với các trung tâm lừa đảo, người lao động cần chủ động liên hệ trực tiếp với Sở LĐTB&XH các địa phương để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, người lao động phải tỉnh táo trước các chương trình xuất khẩu lao động giá rẻ vì trên thực tế, đây là hình thức đưa lao động đi làm việc “chui” (lao động được đưa sang làm việc bất hợp pháp, không có hợp đồng lao động, không được cấp giấy tạm trú…). Hệ lụy của việc xuất khẩu lao động “chui” là người lao động bị mất tiền, không tìm được việc làm, bị bắt, bị phạt tiền, phạt tù, có khi mất cả tính mạng mà không được sự bảo vệ của pháp luật.

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, ngoài các trung tâm uy tín của Bộ LĐTB&XH được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, người lao động có thể tham khảo thêm thông tin tại trang web: http://dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước và trang web: http://hotrolaodongngoainuoc.org của Trung tâm hỗ trợ lao động ngoài nước. Các trang web này đăng tải đầy đủ danh sách các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; những hợp đồng ký với đối tác nước ngoài được Bộ LĐTB&XH thẩm định cho phép thực hiện; quy định của pháp luật về tiền môi giới, tiền dịch vụ, thu nhập hàng tháng đối với từng thị trường; những điều kiện cần thiết như sức khỏe, ngoại ngữ, bổ túc kỹ năng nghề, giáo dục đào tạo...

Ngoài ra, người lao động có thể đến Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước (41B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), để được tư vấn trực tiếp, hoặc gọi điện tới đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước: 04 38249517; Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước, số máy: 043.9366633 và hộp thư điện tử mrcvietnam@gmail.com để được giải đáp.

Trước thực trạng các trung tâm hoặc công ty cung ứng lao động mượn danh pháp nhân hoặc mạo danh các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động với mục đích lừa đảo, người lao động cần phải xác minh lại, xem xét kỹ các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng và đặc biệt tỉnh táo trước những lời hứa hẹn “có cánh” theo kiểu “ưu đãi đặc biệt” từ các cá nhân, tổ chức. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo cần báo cho cơ quan chức năng để góp phần ngăn chặn, xử lý kịp thời, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.