Thận trọng là không thừa

ANTĐ - Báo cáo nghiên cứu “Kinh tế Việt Nam 2013 dưới góc nhìn của doanh nghiệp hàng đầu” do Việt Nam Report vừa công bố cho thấy, 192 đại diện các doanh nghiệp nằm trong tốp 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập cao nhất, 500 doanh nghiệp lớn nhất và 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất đều khẳng định năm 2013 các doanh nghiệp hàng đầu tiếp tục đối mặt với thách thức, khó khăn, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc nếu không sẽ rơi vào tình trạng bi đát hơn năm 2012.

Kết quả điều tra hoạt động kinh doanh năm 2012 và đánh giá của tốp doanh nghiệp trên về triển vọng kinh doanh sang năm 2013 rất đáng quan tâm. Ngay cả những doanh nghiệp đầu tàu, dành được những vị trí cao về tăng trưởng, nộp thuế thu nhập cũng tỏ ra dè dặt nếu không muốn nói là khá bi quan về con đường làm ăn của mình cũng như viễn cảnh của nền kinh tế nói chung. Có tới 50% lãnh đạo tốp 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất cho rằng tình hình hoạt động kinh doanh của họ năm 2012 xấu hơn so với năm 2011. Chỉ có 19% nói rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn năm 2011. Đặc biệt, có tới 100% đại diện của ngành ngân hàng thừa nhận kết quả kinh doanh năm 2012 thấp hơn hẳn năm 2011, đồng thời có 60% các doanh nghiệp ngành sắt thép, xây dựng có chung nhận định này. Bước sang năm 2013 với “vốn liếng” này, doanh nghiệp khó có thể nhìn nhận sáng sủa. Có tới 55% số doanh nghiệp nhận xét nền kinh tế sẽ không cải thiện được nhiều, 25% cho rằng tình hình kinh doanh năm 2013 sẽ xấu hơn năm 2012, chỉ có 20% tin rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ khá hơn.

Sở dĩ góc nhìn của các doanh nghiệp hướng tới năm 2013 không mấy lạc quan là vì đại bộ phận đều khẳng định thách thức mà họ sẽ phải đối mặt là sự bất ổn về môi trường kinh doanh, sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, hàng tồn kho chưa giải phóng được nhiều, giá đầu vào không có triển vọng giảm. Mối lo ngại lớn nhất vẫn tồn tại và chưa có chiều hướng cải thiện là sự biến động trong chính sách nhất là những khó khăn trong tiếp cận và huy động vốn. Vì thế có tới 60% doanh nghiệp được điều tra cho rằng, các ngân hàng chưa thực sự giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Trong năm 2013, 50% doanh nghiệp dự tính nguồn vốn chính vẫn không thể trông chờ vào sự “tiếp sức” của ngân hàng. Trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến cáo, sở dĩ Việt Nam chậm chạp triển khai lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là hệ thống ngân hàng là do chính sách tài khóa chưa tính đến chi phí cải cách. Càng chậm tái cơ cấu thì chi phí càng cao, các động lực phát triển kinh tế càng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là hoàn toàn khả thi. Đây là quá trình phải có quyết tâm, cam kết và thực hiện theo lộ trình chứ không phải ngay lập tức. Cái khung thời gian 5 năm là hoàn toàn khả thi để Việt Nam xử lý dứt điểm.

Trước bối cảnh triển vọng kinh tế năm 2013 đầy thách thức, nhất là những khó khăn của giới doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới dự báo, lạm phát tiếp tục là nguy cơ rình rập đối với kinh tế Việt Nam. Thận trọng là không thừa bởi khi nới lỏng chính sách tài khóa hoặc tiền tệ quá sớm thì có thể làm cho lạm phát tăng trở lại.