Thận trọng khi đổ vốn vào dự án giao thông

ANTĐ - Trước xu hướng cho vay đầu tư các dự án giao thông đang gia tăng tại nhiều ngân hàng tạo ra những rủi ro tiềm ẩn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chỉ thị nhằm tăng cường việc cấp tín dụng cho các dự án giao thông.

Hàng chục nghìn tỷ đồng đổ vào cầu - đường

Theo tính toán của Bộ GTVT, từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm cần khoảng 45.000 tỷ đồng đầu tư công vào phát triển hạ tầng giao thông. Riêng năm 2015, nhu cầu vốn đầu tư cần khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đường bộ chiếm hơn 65.000 tỷ đồng. 

Các khoản vốn ngoài ngân sách đầu tư cho giao thông thời gian qua chủ yếu từ phía các ngân hàng thương mại. Chỉ tính riêng 63 dự án BOT, BT do Bộ GTVT quản lý, các ngân hàng thương mại đã tham gia tài trợ 135.000 tỷ đồng, chiếm đến 89% tổng mức đầu tư.

Tính riêng năm 2013, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã cam kết chi tới 30.000 tỷ đồng cho các dự án mở rộng quốc lộ 1 và 14 của Bộ GTVT. Đây cũng là ngân hàng tham gia thu xếp vốn cho hơn một nửa trong số 18 dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 từ Thanh Hóa - Cần Thơ.

Thận trọng khi đổ vốn vào dự án giao thông ảnh 1

Chưa đánh giá đầy đủ rủi ro khi nguồn vốn ngân hàng đổ vào công trình giao thông

Theo các chuyên gia, các dự án BOT giao thông chủ yếu trông vào tín dụng từ các ngân hàng, trong khi đó các dự án này thông thường phải mất 20 năm sau mới bàn giao lại cho Nhà nước, do đó việc sử dụng vốn vay thương mại dễ phát sinh rủi ro cho cả ngân hàng và nhà đầu tư vay vốn.

Mặt khác, năng lực tài chính yếu kém của nhiều nhà đầu tư cũng tạo ra những rủi ro nhất định. Việc nhiều dự án phải tăng tổng mức đầu tư cũng ảnh hưởng tới khả năng trả nợ…

NHNN cho biết, thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã đầu tư một nguồn vốn lớn cho các dự án hạ tầng giao thông. Xu hướng này đang gia tăng tại nhiều ngân hàng. Nguồn vốn ngân hàng góp phần đảm bảo tiến độ, khối lượng đầu tư xây dựng các công trình giao thông, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn một số bất cập, chưa được đánh giá đầy đủ những rủi ro có liên quan.

Hạn chế rủi ro

Nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài… Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-NHNN về việc tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.

Cụ thể, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị phải chủ động kiểm soát chặt chẽ tình hình tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng, đặc biệt đối với các dự án BOT, BT giao thông. Cần cung cấp thông tin và kịp thời cảnh báo cho các tổ chức tín dụng về những rủi ro phát sinh. 

Đồng thời, phải tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra việc chấp hành các quy định về bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; Giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng trong cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Xem xét thận trọng, chặt chẽ đối với các đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đối với các dự án BOT, BT giao thông có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.

Thống đốc NHNN cũng yêu cầu kiểm soát thời hạn cho vay, tương ứng với thời hạn huy động vốn, không để xảy ra rủi ro kỳ hạn và thanh khoản...

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng và sàng lọc các dự án, không xem xét các dự án có thủ tục pháp lý không đầy đủ, không đủ điều kiện vay vốn. Cần thẩm định kỹ năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ xem xét cho vay đối với các dự án lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự.

Đi đôi với đó là tăng cường giám sát vốn vay đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích. NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc khi cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông.