"Thần Hời" long đong

ANTĐ - Người ta gọi anh là “Thần Hời” vì anh rất am hiểu văn hóa Chăm, nhất là gốm Gò Sành ở Bình Định. Nhưng rồi đùng một cái, từ ông chủ của Bảo tàng Gò Sành - Vijaya - Chăm Pa Bình Định ước tính cả triệu đô, anh thành kẻ “ra đường”. Anh là Nguyễn Vĩnh Hảo, một người khá nổi tiếng về nghiên cứu văn hóa Chăm, nhất là gốm Gò Sành của Vương triều Vijaya Bình Định. 

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Vũ Hoàng Hà chụp hình kỷ niệm cùng gia đình ông Hảo tại Bảo tàng Gốm cổ

Những trùng hợp đau đớn

Tôi gặp lại anh, nơi resort bỏ hoang (ở thị xã Sông Cầu - Phú Yên) mà một người bạn cho anh ở nhờ bao năm qua, khi người ta “xua” anh đi để xây cây xăng. Chỗ ở, đối với anh, chẳng là điều gì to lớn. Bởi anh còn bạn bè dang tay. Nhưng anh muốn một không gian yên tĩnh, để mà suy ngẫm, để mà chiêm nghiệm những gì đã qua. Đơn giản, vì sau những biến cố, anh bảo mình không quá buồn. Cho nên, cái trạng thái cảm xúc ấy, nó đẩy anh đi đến ưu tư nhiều hơn. Và mới đây nhất, vợ anh gửi đơn li dị ra Toà án tỉnh Bịnh Định, dù bao năm qua cả hai không một lần cãi vã.

Nhưng biến cố đó chỉ là sự tiếp nối chuỗi long đong, sau cái ngày bảo tàng của anh (nằm trên đường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn) biến mất. Đấy là vào ngày 15-9-2011, khi anh dự Lễ khánh thành Nhà bia Vườn mai Nghĩa sĩ Tây Sơn ở ngoài Hà Nội thì tại Bình Định người ta đã đến thu dọn sạch sành sanh bảo tàng của anh với lí do anh nợ tiền ngân hàng.

Cái công cuộc gọi là thi hành án ấy, anh quặn đau bao nhiêu thì người Bình Định, người am tường, yêu mến văn hoá Chăm phẫn nộ bấy nhiêu. Nhưng chẳng ích gì, vì cái bảo tàng Chăm mà anh gây dựng đã biến mất, thay vào đó là một trụ sở ngân hàng. Anh nhớ lại, thời điểm đó, đúng là anh có nợ tiền, nhưng không phải nợ ngân hàng. Nợ, tất nhiên phải trả.

Nhưng cái chuyện bị “thi hành án”  trong lúc anh không có mặt ở đấy thì quả là bất nhẫn. Anh nhớ lại, vào thời điểm trước khi mất bảo tàng 3 tháng, có một người, là tiến sĩ nghiên cứu văn hóa Chăm đến chơi. Đêm, nằm nói chuyện tầm phào. Người này bảo anh nhượng lại với giá 6 tỉ tiền Việt và 2 triệu đô la. Anh từ chối, thì được rỉ tai: “Mày mà không bán thì sẽ ra đường”. Anh nhát gừng: “Tao ra đường thì mày cũng không có chỗ dung thân”. Ba tháng sau, anh ra đường thật, còn người ấy, vì lí do nào đấy, phải ngồi tù!

“Cầm hòn bọt sóng”…

Câu chuyện anh kể làm tôi nhớ đến chuyện giới nghiên cứu văn hóa Chăm gán cho anh là “thần Hời” còn bạn của anh, hoạ sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (đang sống ở Quảng Nam) là “ma Hời”. Trong khi “ma Hời” vẫn đang được đắm chìm trong không gian mà mình yêu thích, thì “thần Hời” phải chịu cảnh long đong, chưa rõ ngày thôi sóng gió. Họ nói anh là “thần Hời”, vì lẽ, anh rất am hiểu văn hóa Chăm, nhất là gốm Gò Sành ở Bình Định. Cho nên, anh đã dự không biết bao hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan. Những ngày tháng ấy, anh xuôi dọc khắp nơi, hễ nghe có hiện vật Chăm là tìm đến, và quyết tìm cách sở hữu nó.

Điều đó thôi thúc anh xây dựng Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành - Vijaya - Chăm Pa Bình Định. Sau nhiều năm miệt mài, “đốt” vài tỉ bạc, điều anh mong muốn trở thành hiện thực vào năm 2006. Cái bảo tàng ấy như chắp thêm cánh cho tên tuổi anh bay cao trong thế giới nghiên cứu văn hóa Chăm. Bao năm liền anh chỉ mua mà không chịu bán.

Khối tài sản triệu đô mà anh có được khi buôn đồ cổ trước đó, dần dần teo tóp nhưng bảo tàng của anh thì ngày càng phong phú hơn. Cái bảo tàng của anh, khi ấy có hơn 3.000 hiện vật, quá nửa trong số ấy là cổ vật quý hiếm thu hút khá nhiều quan tâm từ những người sành chơi.

Trong lúc bảo tàng Chăm ngày một hoàn thiện, anh bắt tay thực hiện tàng Bảo tàng Biển Đông thì bi kịch kéo đến. Lúc anh nợ tiền, có người đến trả vài triệu đô để mua bảo tàng anh vẫn cứ từ chối.

“Và cái thời điểm người ta “thi hành án”, tôi chỉ còn nợ hơn 3 tỉ, mà miếng đất với hiện vật ở bảo tàng, được định giá mấy triệu đô. Chua xót quá!” - anh nhớ lại. Gần nửa thập kỷ trôi qua, không ít lần anh gửi đơn kêu cứu, nhưng tất cả đều im lặng, tựa hồ đêm u tối. Người bạn già - thi sĩ Lê Ân tặng anh bài thơ, có câu “Cầm hòn bọt sóng” như nói về cuộc chơi chông chênh của anh với cổ vật gốm Gò Sành.

Sống lại giấc mộng xây dựng bảo tàng Biển Đông

Bây giờ, anh đang là kẻ trắng tay! Sau bao biến cố cuộc đời, anh vẫn không một lời than oán. Chọn sống xa lánh ồn ào, anh bảo đó không phải là ẩn dật, mà để suy ngẫm. Đơn giản, anh nhận mình là kẻ thừa tự, thừa tự văn hóa Chăm.

Với anh, chỉ có 2 điều quan trọng nhất, đó là giữ được phẩm chất của mình và phải hồi sinh được bảo tàng, làm được Bảo tàng Biển Đông càng hay. Nhắc mới nhớ ra tình cảnh hiện tại, một phần anh quá hào sảng với tính khí của người Bình Định. Vậy mà hay, bao nhiêu sân si cuộc đời, anh chả thèm đếm xỉa. Trong resort bỏ hoang, anh làm bạn với gà. Còn bây giờ, anh cô độc thật sự, khi con gà đã bị người ta... trộm mất.

Ông bà nói “Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”, mong điều đó đúng, ít ra cũng trên một vài dấu hiệu đã đến với anh gần đây. Cách đây không lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có chuyến kiểm tra tháp Bánh Ít - một trong những tháp mà người Chăm để lại, nhằm xây dựng thành điểm du lịch của Bình Định, trong đó có không gian để trưng bày hiện vật Chăm. Chuyến đi ấy, anh Hảo cũng có mặt.

Tất nhiên anh mừng, nhưng anh thú thật với tôi rằng, đã nhiều năm qua anh không biết mặt mũi cổ vật của mình như thế nào, chứ đừng nói đến số phận của nó ra sao! Nhiều tỉnh bạn cũng mời anh tham dự và tư vấn các vấn đề liên quan đến văn hóa Chăm. Những điều đó cho thấy những người có tâm và có tầm vẫn tôn trọng anh, bởi đơn giản, quá khứ đã chứng minh anh là chuyên gia trong lĩnh vực này.

Và anh nuôi lại giấc mơ xây dựng Bảo tàng Biển Đông! Trong quãng thời gian mà anh gọi là suy ngẫm, anh bảo, rất vui khi hoàn thành mâm cúng Ngọc Hân công chúa ở ngoài Hà Nội cũng như chương trình Đào mai tương ngộ dâng nghĩa sĩ Tây Sơn. Hóa ra, anh vốn là một võ sư. Tôi trộm nghĩ, giá mà anh “yên phận” võ sư thì có hay hơn không?