“Thân cò” mưu sinh ở chợ ‘‘âm phủ”

ANTĐ - Chợ đêm đất Phủ hay chợ đêm Phủ Lý (thành phố Phủ Lý – Hà Nam) còn có cái tên gọi khác rùng rợn là chợ “âm phủ”. Chẳng hiểu từ khi nào và vì sao người ta lại “bạo miệng” đặt tên chợ này như vậy? Phải chăng chợ này họp thời gian đặc biệt, 0 giờ - tờ mờ sáng. Cũng ít ai biết rằng là chợ “ âm phủ” họp lúc sang canh (0h)  để nhiều phận người, mà phần lớn là những “thân cò” đang mưu sinh kiếm sống nuôi gia đình.

Chợ họp lúc sang canh

Đã nhiều năm nay, bất kể thời tiết mưa hay nắng cứ đến lúc đồng hồ chỉ sang con số, ở các ngả đường con phố vẫn đang chìm trong giấc ngủ say thì chợ “âm phủ” lại bắt đầu thức dậy với không khí tấp nập sôi động.  Đoạn ngay trước cổng chợ chính của chợ Phủ Lý, nằm trên đường Lê Lợi, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) nhộn nhịp xe cộ hàng hóa của hàng trăm lái buôn lớn nhỏ ở các vùng lân cận trong tỉnh như ở huyện Thanh Liêm, Duy Tiên, Bình Lục, Lý Nhân - Hà Nam cho đến những lái buôn ở xa hơn như Nam Định, Ninh Bình, Hà Nội…đổ về.

Có mặt tại chợ đêm Phủ Lý vào một đêm giữa tiết trời se lạnh tháng 3, chúng tôi mới thấy cái đặc biệt của phiên chợ này khác hẳn so với một phiên chợ bình thường họp vào ban ngày. Cứ như đã cài sẵn chuông báo thức của đồng hồ, đúng của ngày mới, ngay tại khu chợ Phủ bắt đầu dòng người xe cộ từ mọi ngả đường nhộn nhịp đổ về, tiếng còi xe, tiếng người gọi nhau ý ới. Từ những xe tải chở hàng nặng, cho đến những chị xe thồ lòm còm ủi xe, rồi có cả những cụ già với gánh hàng rau nhỏ nhẹ…tất cả đã tạo nên một cảnh nhộn nhịp tấp nập.

Khoảng 30 phút từ lúc đồng hồ điểm sang, các gian hàng tạm bợ ở  chợ “âm phủ” đã được dựng lên để bắt đầu một phiên chợ mới. Chợ chủ yếu bán các mặt hàng nông sản như rau xanh, củ quả, còn các mặt hàng khác gần như không có hoặc rất ít. Một điều đặc biệt ở chợ này đó là cảnh mua bán diễn ra rất nhanh, rất ít khi người ta mặc cả về giá. Bởi nguyên nhân cũng là vì các lái buôn đã quen nhẵn nhau và thuộc giá trên thị trường hàng ngày.

Giải thích về khoảng thời gian họp chợ tại sao lại diễn ra lúc 0 giờ, rồi vãn dần lúc tờ mờ sáng? Nhiều người dân địa phương nơi đây cho biết chợ họp sớm như vậy để ban ngày còn bận việc đồng áng vả lại đây được coi chợ rau đầu mối cung cấp về các thị trường nhỏ lẻ nên chợ phải họp sớm để còn kịp các phiên chợ khác. 

Chị Lê Thị Hòa, một thương lái bán hàng rau ở chợ đêm này cho biết: “Tôi làm nghề đi buôn hàng rau ở chợ đêm Phủ Lý này đã hơn 5 năm nay rồi, một năm 365 ngày (trừ đêm 30 Tết nguyên đán là chợ không họp) thì hầu như ngày nào tôi cũng có mặt tại phiên chợ đêm này. Đi chợ đêm lâu rồi thì cũng thành quen, bây giờ nếu bị ốm mà vắng chợ một buổi là lại thấy nhớ! Một phiên chợ tôi cũng bán được hơn 1 tấn rau xanh cho các lái buôn nhỏ lẻ đem về tiêu thụ ở các chợ khác”. Ông Phạm Văn Hoàn, một người có thâm niên tại chợ “âm phủ” cho biết: “Mỗi một phiên chợ nơi đây ít nhất cũng có đến mấy chục xe ô tô tải rau xanh hàng nông sản, hàng mấy chục xe máy và xe thồ khác không tính xuể. Nhẩm tính ước lượng mỗi phiên chợ nơi đây cũng tiêu thụ trên 100 tấn rau xanh hàng nông sản đi về các vùng lên cận. Tuy là chợ họp ban đêm nhưng nhiều hôm lại có đến hàng nghìn người tham gia”.

“Thân cò” lăn lội 

Ngoài những đặc điểm khác biệt của phiên chợ đêm đất Phủ này so với một phiên chợ họp ban những người tham gia họp chợ nơi đây chiếm hơn nửa là phụ nữ. Không ít những phụ nữ tại phiên chợ này chính là những bà chủ với số lượng hàng hóa lớn. 

Trong vai một khách đi mua hàng rau tại chợ đêm, tôi đã cố gắng dạo qua tất cả các ngõ ngách các gian hàng, ở một góc tối mập mờ dưới anh đèn đường là một cụ bà đã bước sang cái tuổi mà đáng ra phải được nghỉ ngơi phụng dưỡng thì cụ vẫn phải ngồi đây, vào lúc trời vừa sang canh giá lạnh vô cùng. “Rau này nhà bà trồng ở vườn đó, không có phun thuốc sâu gì đâu, chú mua cho bà mớ đi. Về ăn ngon thì hôm sau cứ đến đây mà mua, ngày nào bà cũng ngồi ở góc tối này”, lời mời của cụ bà khập khễnh, tay run run khiến tôi cảm thấy bối rối. Hỏi ra mới biết tên cụ là Phạm Thị Liễu, năm nay đã 73 tuổi, nhà cụ ở huyện Bình Lục (Hà Nam) cách thành phố Phủ Lý hơn 10 km. Cụ Liễu kể: “Chồng mất sớm, nhà có 3 mẹ con, nhưng cả 2 đứa đều bị bệnh tâm thần không làm gì được, suốt ngày đi lang thang. Mọi sinh hoạt của mấy mẹ con chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền lẻ từ những mớ rau đem đi bán ở đây. Nhưng ở chợ này chủ yếu người mua hàng là các người bán buôn đem đi tiêu thụ nơi khác chứ người dân đi mua hàng thì rất ít. Họ bán cả ô tô rau thì hết chứ mình bán mấy mớ thì lại nhiều bữa ế phải cõng về”. Xót xa hơn khi nghe cụ Liễu kể về hành trình hàng ngày đi chợ mệt nhọc cần mẫn của mình. Để đến chợ đúng giờ thì cụ Liễu phải cùng cái xe đạp cà tàng ra khỏi nhà từ nhà lúc 22h đêm ngày hôm trước để đến chợ vào lúc 0 giờ ngày mới. “Mang tiếng đi xe đạp nhưng vì ban đêm đèn pin thì mập mờ, mà mắt lại kém nên hầu như đêm nào cũng chỉ dắt bộ cái xe đạp từ nhà đến tận chợ”, cụ Liễu cho biết. Ngày thu nhập cao nhất của cụ chỉ 20.000 - 25.000 nghìn đồng. Và hành trình của cụ Liễu cứ như vậy đã gần 5 năm nay.

Còn chị Phạm Thị Loan, quê ở Thanh Hóa cũng chỉ với đồng vốn ít ỏi nên đêm đêm mưu sinh ở chợ “âm phủ” kiếm đồng tiền lời nuôi thân và gom góp gửi về quê cho đứa con gái 4 tuổi đang ở với ông bà ngoại. Chị Loan lấy chồng được 5 năm, mới chỉ có một mụn con thì chồng lâm bệnh chết, nhà ở vùng đất cằn cỗi xứ Thanh nên luôn thiếu ăn. Nhờ có bà cô nhà ở thành phố Phủ Lý chỉ dẫn cho việc ra mưu sinh bán hàng rau ở chợ “âm phủ” nên chị đã đến đây. Đêm nào chị cũng phải trực ở chợ này thật sớm để khi có xe hàng từ nơi khác đem đến lấy hàng để đến tờ mờ sáng thì đem đi bán lẻ ở chợ huyện. Ngày may mắn lắm thì cũng kiếm được khoảng 50.000 đồng tiền lời. Nhưng quả thực để kiếm được 50.000 đồng là biết bao công sức của chị. Đêm không được ngủ, thức để đi chợ “âm phủ”, cả ngày lại mang hàng từ chợ “âm phủ” đi chợ huyện bán, chiều về lại phải kiếm thêm việc gì làm nữa nên gần như cả ngày không có thời gian nghỉ. 

Nghe chị Loan kể về công việc của mình một cách bình thản bất giác tôi tự hỏi: Không biết chị được ngủ vào lúc nào đây? Câu ca “thân cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” cứ văng vẳng bên tai. Và ở cái chợ “âm phủ” này còn có biết bao những “thân cò” như thế!