Thẳm xanh “đôi mắt Pleiku”

ANTĐ - Biển Hồ Tơ Nưng còn có tên gọi là hồ EaNueng, thuộc xã Biển Hồ, thành phố Pleiku - Gia Lai, nằm trên độ cao hơn 800m, giữa một vùng bát ngát thông xanh, với bạt ngàn hoa ban màu sữa tháng 3 tạo nên những nét chấm phá lung linh giữa không gian xanh biếc. Nếu du khách đến Biển Hồ vào những ngày giữa mùa thu, hai bên con đường nối từ thành phố sẽ ngập tràn một sắc vàng óng ả, đậm đà của những triền hoa dã quỳ bất tận như một con đường hoa nối liền thành phố với màu thẳm xanh mát mẻ của “Đôi mắt Pleiku”. 

Biển Hồ đẹp đến diệu kỳ, bởi vậy nhiều nhạc sỹ, thi sỹ đã trót đem lòng yêu, từ đó cho ra đời những tác phẩm bất hủ ca ngợi vẻ đẹp của Biển Hồ Tơ Nưng. Nhạc sĩ Phạm Duy, nhà thơ Vũ Hữu Định đã gọi “Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…” hay “Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi không xa nên phố thật buồn. Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em đời còn dễ thương…”, còn nhạc sĩ Nguyễn Cường - nhạc sĩ của đất Tây Nguyên ngẫu hứng mà rằng: “Đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy…”. 

Chỉ cách trung tâm thành phố Pleiku gần 10km. Nếu đứng trên những ngọn đồi thông xanh mát bao quanh ngắm, du khách sẽ thấy một góc riêng ẩn chứa tâm hồn “đôi mắt Pleiku” đượm một nét buồn mơ màng thơ mộng đến hoang sơ. Nếu đứng trên lầu vọng cảnh nơi trung tâm của đôi mắt ấy, du khách sẽ lại thấy một Biển Hồ khác mênh mang rộng mở, bao la bát ngát giữa một vùng đồi núi hùng vĩ. Mặt hồ như tấm gương lớn thẳm xanh soi bóng mây trời.

Đến Biển Hồ, du khách có thể dùng thuyền dạo chơi trên mặt hồ mênh mang, những đêm trăng sáng mặt hồ càng lung linh huyền ảo. Nếu đến vào dịp lễ hội, du khách còn được bà con buôn làng mời tham dự những cuộc múa hát vui say bất tận với những đặc trưng văn hóa các dân tộc Bahnar, Jarai. Đó là những phong tục tập quán đặc sắc, những kiến trúc nhà rồng, nhà mồ, tượng nhà mồ và nhiều lễ hội hấp dẫn với các nhạc cụ truyền thống trong không gian di sản văn hóa cồng chiêng…