Tham vọng sức mạnh hạt nhân

ANTD.VN - Lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện quan điểm chính thức về vũ khí hạt nhân khi tuyên bố muốn đảm bảo kho vũ khí hạt nhân của Mỹ phải được “lấp đầy”, đồng thời cho rằng nước này đã bị tụt hậu về năng lực vũ khí hạt nhân.

Tham vọng sức mạnh hạt nhân ảnh 1Tên lửa LGM-30 Minuteman III - một biểu tượng của sức mạnh hạt nhân 

Tuyên bố này được Tổng thống Donald Trump đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn của Hãng tin Reuters. Ông Donald Trump nói rằng ông muốn thấy một thế giới không vũ khí hạt nhân, song bày tỏ quan ngại trước việc “Mỹ bị tụt hậu về năng lực hạt nhân”. Vì thế, ông muốn kho vũ khí hạt nhân của Mỹ phải “vượt trội” hơn tất thảy.

Với tính cách mạnh của mình, ông Donald Trump luôn muốn có những công cụ để thể hiện sức mạnh. Chính vì thế không có gì ngạc nhiên khi trang web của đội chuyển giao quyền lực của ông Donald Trump từng dẫn lời Tổng thống đắc cử rằng: “Ông Donald Trump nhận thức rất rõ mối đe dọa ở mức thảm họa do vũ khí hạt nhân và ông sẽ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân để đảm bảo số vũ khí này vẫn đủ khả năng răn đe hiệu quả”.

Hơn 20 quốc gia trên thế giới sở hữu điện hạt nhân nhưng chỉ một số nước sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc bị nghi ngờ theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Cho tới nay, Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan được cho là đã sở hữu vũ khí hạt nhân; Israel bị nghi sở hữu; Triều Tiên không giấu giếm tham vọng phát triển vũ khí nguyên tử, còn Iran bị nghi đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, cuộc đua trong lĩnh vực này chủ yếu diễn ra giữa hai cường quốc hạt nhân là Mỹ và Nga. Theo thống kê của Tổ chức chống hạt nhân Ploughshares Fund, Nga đang có 7.000 đầu đạn hạt nhân, con số này của Mỹ là 6.800. Số vũ khí này lớn hơn rất nhiều so với mức cần thiết để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công hạt nhân của nước nào.

Theo Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược mới, còn gọi là New START, do Nga và Mỹ ký kết, tới ngày 5-2-2018, hai nước phải giới hạn số vũ khí hạt nhân chiến lược xuống mức tương đương nhau xuống còn không hơn 1.550 - đây là mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Với tuyên bố mới nhất của ông Donald Trump, xem ra chính sách của tân Tổng thống Mỹ sẽ ngả theo hướng nhanh chóng thúc đẩy việc hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân. Quan điểm này phần nào đã được bà M. Dodge, nhà phân tích chính sách quốc phòng tại Quỹ Heritage, dự báo.

Theo bà M. Dodge, chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sẽ đảo ngược những chính sách hạt nhân mà Tổng thống Barack Obama theo đuổi, thứ mà bà cho rằng là “hão huyền”, bao gồm việc khuyến khích giảm nhẹ vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh Mỹ.

Nhưng ông Donald Trump cũng không dễ thực hiện tham vọng của mình. Người ta tính rằng muốn nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, Mỹ sẽ phải tốn tới 1 nghìn tỷ USD trong 3 thập niên tới. Tướng Mark A. Welsh III của Không quân Mỹ cho rằng: “Khoản tiền hiện đại hóa cơ sở hạ tầng các cơ sở hạt nhân không hề nhỏ. Vì thế, các nhà hoạch định cần những cuộc tranh luận trung thực về những hạng mục cần đầu tư cải tạo nhằm đảm bảo tương lai chiến lược cho đất nước”.

Vũ khí hạt nhân vốn là vấn đề khó hiểu với ông Donald Trump. Vì thế, những câu hỏi như “Hiện đại hóa bao nhiêu là đủ?”, “Liệu sức mạnh Mỹ có suy yếu không nếu số lượng vũ khí hạt nhân giảm sút?”, “Mỹ nên đối phó ra sao với các mối đe dọa hạt nhân” sẽ còn làm ông Donald Trump đau đầu.