Hàn Quốc:

Tham vọng hồi sinh voi ma mút

ANTĐ - Các nhà khoa học thuộc Trung tâm thí nghiệm công nghệ sinh học Sooam Biotech ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc) cho biết, công nghệ nhân bản vô tính các chú chó cưng mới chỉ là bước đầu. Trong tương lai, họ còn tham vọng sẽ hồi sinh cả voi ma mút, loài động vật hoang dã đã tuyệt chủng hàng nghìn năm trước. Tuy nhiên, tuyên bố này của các nhà khoa học Hàn Quốc đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Tham vọng hồi sinh voi ma mút ảnh 1Những chú cún cưng đã được nhân bản thành công ở Sooam Biotech, Seoul

“Nhà máy” nhân bản chó

Từ vài tháng nay, cứ mỗi thứ Sáu hàng tuần, ông Junichi Fukuda, 55 tuổi, đều đặn bay từ Tokyo (Nhật Bản) đến Seoul (Hàn Quốc) để thăm cún cưng của mình là con chó mực Momotan, 5 tháng tuổi. Ông sống với nó trong 1 căn hộ thuê ở gần Sooam đến cuối tuần. Ông Fukuda cho biết, sẽ mất ít nhất 2 tháng nữa để chờ Momotan đủ lớn để ông có thể mang nó về nhà ở Tokyo. Năm 2009, Sooam đã nhân bản thành công Trakr, chú chó cứu hộ gốc Đức đã tìm thấy người sống sót cuối cùng trong vụ khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ. Mới đây, một chú khuyển cưng của lực lượng SWAT ở Seoul cũng được nhân bản thành công và đang chờ ngày được cùng các chiến sĩ cảnh sát truy tìm tội phạm.

Tiến sĩ Woosuk Hwang, người đứng đầu Trung tâm Sooam Biotech, trước đây đã cùng các nhà khoa học khác tại Đại học Quốc gia Seoul nhân bản thành công 2 con bò cho biết, công nghệ nhân bản một chú chó cưng không khó. Điều quan trọng là chi phí không hề nhỏ (khoảng 100.000 USD) và các nhà khoa học cũng phải tìm được đúng loại tế bào cần cho việc nhân bản. 

Trong trường hợp con chó còn sống, người có nhu cầu cần mang con chó tới trung tâm thú y để các bác sĩ lấy mẫu sinh thiết, có thể là một mẩu da bụng dài khoảng 8mm, rồi gửi mẫu tới Trung tâm Sooam Biotech. Còn trong trường hợp con chó đã chết, cần lấy càng nhiều mẫu da bụng của con chó càng tốt. Nếu không thể lấy mẫu ngay lúc đó, cần bảo quản xác con chó trong tủ lạnh, đồng thời gửi ngay tới Sooam trong vòng muộn nhất 5 ngày. 

Sẽ tái sinh những động vật tuyệt chủng?

Khi các mẫu sinh thiết và da bụng được chuyển tới Sooam, các nhà khoa học sẽ xử lý nhân tế bào xôma của con chó; khử trùng các mẫu, cô lập những tế bào cần dùng để nhân bản; đặt các tế bào vào khu vực riêng biệt để chúng phát triển tốt nhất. Sau khoảng 1-2 tuần, các nhà khoa học đã có được trong tay những tế bào phù hợp nhất để thực hiện quá trình nhân bản. Tiếp đó, các nhà khoa học của Sooam sẽ sử dụng 2 con chó cái, một con để lấy trứng và con còn lại sẽ thực hiện quá trình mang thai (từ trứng của con chó thứ nhất). 1 trong 3 phôi nhân bản sẽ phát triển thành một chú chó khỏe mạnh.

Hiện nay, ở Trung tâm Sooam Biotech có rất nhiều giống chó nổi tiếng thế giới như Cocker Spaniel, Labrador, Pug, Boston Terrier… đến từ Nhật Bản, Mỹ, Brazil, Anh, Hàn Quốc… Chúng đã được nhân bản và đang được chăm sóc cẩn thận trước khi được đưa về với chủ. Sooam cũng khẳng định, trung tâm của họ có thể nhân bản bất kỳ giống chó nào trên thế giới. Hiện tại, Sooam đã nhân bản thành công hơn 600 con chó và trong “nhà máy” của Sooam luôn có từ 40-50 chú cún cưng đã được nhân bản đang được chăm sóc. Công nghệ này đã mang về cho Trung tâm Sooam mỗi năm hàng triệu USD. Số tiền này được dùng để tái đầu tư cho các dự án nghiên cứu khoa học khác.

Sau hơn 10 năm theo đuổi nghiên cứu công nghệ nhân bản vô tính, Giáo sư Hwang cùng đồng nghiệp đã gặt hái được nhiều thành công nhưng thất bại cũng không ít. Đặc biệt, ông còn gặp phải những ý kiến trái chiều trong và ngoài giới khoa học. Tuy nhiên, ông vẫn tin tưởng, trong tương lai, Sooam sẽ không dừng lại ở việc nhân bản chó. Họ còn hy vọng có thể tái sinh voi ma mút, loài vật đã tuyệt chủng từ 3.600 năm trước và chỉ còn xuất hiện trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Theo các nhà khoa học của Sooam, công nghệ nhân bản đã mở ra hy vọng về việc giải cứu các loài động vật sắp tuyệt chủng hay tạo nguồn cung cấp tạng để cấy ghép cho con người trong tương lai không xa.