Tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc làm nóng các cuộc đua khẳng định sức mạnh trên Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những năm gần đây, tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua các hành động như diễn tập quân sự đơn phương, tôn tạo trái phép các đảo đá rồi biến chúng thành các công trình quân sự với hệ thống hỏa lực dày đặc đã biến vùng biển này thành một “điểm nóng”, một địa bàn cho những cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn.
Tàu chiến của Mỹ và Australia phối hợp tập trận ở Biển Đông

Tàu chiến của Mỹ và Australia phối hợp tập trận ở Biển Đông

Sự thay đổi quan điểm từ trung lập đến can dự và đối đầu

Trong suốt thế kỷ XX, vấn đề Biển Đông chủ yếu là các tranh chấp giữa những nước ven Biển Đông đối với việc sở hữu các đảo, bãi đá ngầm, bãi bồi và phân chia vùng biển, trong đó vấn đề cốt lõi là tranh chấp chủ quyền và tranh giành tài nguyên. Tuy nhiên, trong những thập niên đầu thế kỷ XXI, vấn đề tranh chấp đã biến chuyển thành nấc thang mới khi xuất hiện yêu sách “Đường lưỡi bò” chiếm tới hơn 80% diện tích Biển Đông cùng việc các cấu trúc địa lý ở quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo đá ở quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc tôn tạo rồi biến thành các cứ điểm quân sự có tầm quan trọng về chiến lược.

Với giá trị các trao đổi thương mại chảy qua khu vực này lên tới 4.000 tỷ USD mỗi năm, vai trò của Biển Đông đã mang tính toàn cầu. Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng áp đặt các yêu sách chủ quyền phi lý, các nước bắt đầu nhận thức rõ thêm tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế ở Biển Đông với niềm tin rằng nếu trật tự dựa trên luật lệ bị phá vỡ, họ có thể trở thành nạn nhân. Vấn đề tranh cãi cũng theo đó ngày càng mở rộng, từ tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, bãi đá ngầm, vùng biển đến các vấn đề ngoài chủ quyền như khai thác biển, an ninh hàng hải, đặc biệt là vấn đề tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Từ tuyên bố đầu tiên chỉ nói chung chung sau sự kiện Trung Quốc chiếm đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa năm 1995, Mỹ ngày càng cụ thể hơn và chỉ đích danh Trung Quốc là nước có yêu sách phi pháp. Tháng 7-2010, tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Mỹ chính thức công khai chính sách “tái can dự” hay “nước Mỹ đã trở lại”, trong đó nhấn mạnh việc tôn trọng “lợi ích của cộng đồng quốc tế” và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Tháng 7-2020, trong hành động được mô tả là “cứng rắn”, Mỹ công khai bác bỏ phần lớn các yêu sách chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Không chỉ nhấn mạnh đến sự phi pháp của những yêu sách này, Washington còn chỉ trích Bắc Kinh là bên đang quấy rối và bắt nạt các nước trong khu vực. Đây được xem là tuyên bố mạnh mẽ, trực tiếp nhất của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông trong vòng 25 năm qua, đánh dấu sự chuyển đổi thái độ của Mỹ từ trung lập sang thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Không chỉ Mỹ, nguy cơ tự do hàng hải và hàng không bị đe dọa khiến nhiều nước ngày càng muốn khẳng định rõ mình là các quốc gia có lợi ích liên quan dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhất là Australia trong thời gian gần đây. Cho đến cuối năm 2019, sự can dự của Australia với vấn đề Biển Đông còn hạn chế ở bày tỏ quan ngại về các diễn biến gây căng thẳng tại khu vực Biển Đông do các hành động của Trung Quốc và yêu sách “Đường lưỡi bò”. Tuy nhiên, sự thay đổi có tính bước ngoặt xuất hiện hồi tháng 7-2020, khi Australia đệ trình lên Tổng thư ký LHQ tuyên bố phản đối mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mâu thuẫn với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Với Nhật Bản, từ ban đầu không biểu thị thái độ rõ ràng, nhưng khi thách thức từ Trung Quốc tăng lên, nhất là trong vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông, Tokyo bắt đầu chuyển mạnh sang tăng cường can dự. Không những thế, cuối tháng 8 vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper còn nhất trí rằng hai nước sẽ phối hợp kiềm chế hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời phản đối mạnh mẽ những quốc gia đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.

Nằm xa Biển Đông, trước đây, các nước châu Âu không muốn lên tiếng về những vấn đề an ninh ở Đông Á. Nhưng năm ngoái, trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều hành động ngang nhiên vi phạm vùng biển của các nước khu vực, gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia, các nước Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông. Ấn Độ thì đẩy mạnh chính sách “Hành động hướng đông”, trong đó Biển Đông là trọng tâm.

Nguy cơ từ các cuộc đua khẳng định sức mạnh

Không dừng ở các tuyên bố, để ngăn chặn tham vọng chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, các nước liên quan ngày càng tìm cách tăng cường sự hiện diện trong khu vực, dẫn tới những cuộc đua khẳng định sức mạnh. Quan điểm của các nước này là Biển Đông không phải là “ao nhà” của Trung Quốc và các nước khác có quyền tự do đi lại, hoạt động và khai thác dầu khí ở những khu vực được luật pháp quốc tế cho phép.

Đối với Mỹ, từ năm 2009 đến nay, chính quyền các tổng thống từ Barack Obama đến Donald Trump đã nhiều lần tổ chức diễn tập quân sự song phương cũng như đa phương quy mô lớn ở Biển Đông nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng biển này. Các đội tàu sân bay tấn công của Mỹ xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn ở Biển Đông. Gần đây, nhằm thách thức yêu sách lãnh thổ phi lý do Trung Quốc đưa ra, Mỹ đẩy mạnh chiến dịch tự do hàng hải trên Biển Đông với tần suất ngày càng dày hơn. Các tàu chiến của Mỹ tham gia hoạt động này liên tục áp sát các thực thể Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông, thách thức các yêu sách như đường cơ sở thẳng Bắc Kinh vẽ ra ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Washington cũng tuyên bố thẳng rằng “Biển Đông không phải là đế chế hàng hải của Trung Quốc”.

Australia mới đây cũng điều chỉnh chiến lược quốc phòng để tăng cường vai trò chủ động hơn trước các thách thức từ Trung Quốc. Tháng 4-2020, tàu hộ vệ tên lửa của Australia đã tham gia tập trận chung với nhóm tàu chiến Mỹ gần khu vực tàu khảo sát Hải dương 8 của Trung Quốc hoạt động nhằm quẫy nhiễu tàu thăm dò dầu khí của Malaysia. Tháng 7-2020, 5 tàu chiến của Australia là HMAS Canberra, HMAS Hobart, HMAS Stuart, HMAS Arunta và HMAS Sirius đã tham gia tập trận chung với tàu chiến Nhật Bản và Mỹ tại vùng biển Philippines.

Với châu Âu, hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Pháp và Anh đã gia tăng hoạt động trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải. Tháng 5-2018, tàu chiến Pháp Dixmude và một tàu khu trục đã tiến vào khu vực các cụm đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong động thái bày tỏ sự phản đối với tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Anh cũng đã đưa tàu đổ bộ HMS Albion của Hải quân Hoàng gia di chuyển gần những đảo đá mà Trung Quốc bồi đắp và chiếm đóng trái phép trên Biển Đông nhằm thực hiện hoạt động tự do hàng hải. Hành động của London đã khiến Bắc Kinh tức giận.

Đáp lại các hành động trên, Trung Quốc cũng đẩy mạnh các cuộc tập trận trên Biển Đông, nhất là trong thời gian gần đây. Vùng biển này vốn đã “nóng” bởi tranh chấp chủ quyền, giờ càng nóng hơn bởi nguy cơ đụng độ quân sự giữa các nước lớn nếu như các bên không thận trọng và kiềm chế.