Tham nhũng: Có thuốc chữa nhưng không chịu uống!

ANTĐ - Phát biểu trong cuộc họp Quốc hội sáng nay (7-6), đại biểu Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã gây ấn tượng với những nhận xét về thực trạng tham nhũng trong xã hội hiện nay.
Tham gia thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, tham nhũng có mặt khắp nơi, với nhiều mặt nạ, nhiều vỏ bọc khác nhau như thách đố kỷ cương, phép nước.  Ông dẫn chứng, các lĩnh vực là nơi khu trú của tham nhũng, nuôi dưỡng tham nhũng phát triển có thể kể như: đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư, xây dựng cơ bản, tín dụng ngân hàng, thu chi ngân sách, quản lý vốn và tài sản nhà nước, mua sắm tài sản công, công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ... Đại biểu Lê Như Tiến còn ví các doanh nghiệp, tập đoàn của nhà nước gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng khiến nhân dân bức xúc trong thời gian vừa qua như Vinashin, Vinalines... như những "công tử", và nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do nhà nước quá nuông chiều các “công tử” này, sẵn sàng cung ứng "bầu sữa" ngân sách, nguồn lực đất đai mà chưa xem xét toàn diện đến năng lực hiện thực và khả năng thực hiện của các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, mỗi khi doanh nghiệp găp nạn, Nhà nước dễ dàng mở ngân khố, hầu bao quốc gia để giải cứu, nkhiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với cổ phần hóa mà chỉ muốn bao cấp dài dài. Theo đại biểu Tiến, tham nhũng, tiêu cực không đi theo đường chính ngạch mà thường men theo những con đường tiểu ngạch. Đó chính là những quý bà, quý cô, quý cậu, quý người thân trong gia đình bằng phương thức chuyển đổi tiền và tài sản của chủ sở hữu sang các “cửa” khác nhau. Tham nhũng cũng biến thể thành nhiều hình thức như tặng quà mừng sinh nhật, mừng nhà mới với những thẻ tín dụng trị giá hàng chục nghìn USD, khuyến mại gia đình tour du lịch nước ngoài...
Tham nhũng: Có thuốc chữa nhưng không chịu uống! ảnh 1
Đại biểu Lê Như Tiến phát biểu
Với những thực trạng trên, ông Tiến nhận định rằng, biểu hiện của tham nhũng càng tinh vi, phức tạp thì chúng ta càng phải có bộ máy chống tham nhũng tinh thông, tinh nhuệ, thiện chiến, chuyên nghiệp, phải có những "Bao công" quả cảm, công minh để tuyên chiến với tham nhũng. Ông Tiến còn nêu dẫn chứng: "Trước kỳ họp thứ 3 này, khi tiếp xúc với cử trị quận Ba Đình, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Phòng chống tham nhũng lần này, Trung ương quyết tâm cao, biện pháp trúng rồi, cắt thuốc đúng rồi...". Song Đại biểu Nguyễn Phú Trọng còn băn khoăn: "Lo là có chịu uống thuốc không, uống thuốc có đủ liều không"? Chúng tôi cho đây là vấn đề cốt lõi vì: Bắt trúng mạch, cắt đúng thuốc mà không chịu uống thuốc thì việc bắt mạch và cắt thuốc sẽ không còn ý nghĩa.  Chính vì vậy, theo ông Tiến, không ai khác yêu cầu và cưỡng chế họ phải "uống thuốc" đó là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị và những người có thẩm quyền trong các cơ quan bảo vệ pháp luật và đã là trọng bệnh nan y thì phải dùng biệt dược, không thể xoa bóp ngoài da được. Kết thúc bài phát biểu, đại biểu Lê Như Tiến dẫn lời nhà giáo dục học Xô Viết - Makarenko: "Theo tôi đây là bài học sâu sắc trong công tác phòng chống tham nhũng: Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục". Bên cạnh ý kiến của ông Lê Như Tiến, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng tỏ sự lo lắng khi cho rằng, trong xã hội hiện nay, đồng tiền đang làm xói mòn phẩm chất đạo đức. Ông đề nghị, Chính phủ cần có giải pháp quản lý và quyết liệt hơn, đặc biệt đối với các cán bộ công chức nhà nước, những người được giao nhiệm vụ mà phẩm chất kém, năng lực yếu thì phải bị thay thế. Đối với bộ phận này cần có thái độ rõ ràng, phải xử lý, không để dân oán thán, có thái độ, nhất là khi triển khai thực hiện Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XI, nhân dân đang chờ đón và đặt niềm tin vào việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội. Hôm nay (7-6), Quốc hội dành riêng một ngày để thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012. Ngày mai (8-6), Quốc hội cũng sẽ dành riêng một ngày để thảo luận về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục