Thâm nhập cửa hàng Apple giả ở Trung Quốc

ANTĐ - “Cơn sốt” thông tin về những cửa hàng iPhone nhái rất “chuyên nghiệp” ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được một blogger người Mỹ đăng lên mạng làm dư luận không khỏi giật mình về tình trạng vi phạm bản quyền ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
 Hình ảnh về cửa hàng Apple “nhái” đăng tải trên blog BirdAbroad
 Hình ảnh về cửa hàng Apple “nhái” đăng tải trên blog BirdAbroad
 

Câu chuyện của một phụ nữ 27 tuổi xưng là "BirdAbroad" về cửa hàng iPhone nhái ở Côn Minh đã thu hút gần 1 triệu lượt người đọc chỉ trong 3 ngày lan truyền trên mạng. Nếu sử dụng công cụ tìm kiếm Google thì có đến hơn 1.000 phương tiện truyền thông đăng bài viết và hình ảnh cửa hàng nhái đó, đây cũng là chủ đề được bàn luận nhiều nhất trên các trang mạng xã hội Twitter và các trang điện tử của Trung Quốc.

Người Mỹ sống ở Côn Minh này cho biết đã phát hiện cửa hàng đó khi đi dạo cùng chồng trên con phố gần căn hộ của họ. Nó có thiết kế giống đến từng chi tiết với các cửa hàng bán lẻ của Apple, từ logo quả táo cắn dở thường thấy cho đến trang phục màu xanh của nhân viên cửa hàng. Thậm chí, kiểu cầu thang uốn lượn của Apple Store cũng được sao chép y chang. Các nhân viên ở cửa hàng này mặc áo phông màu xanh với logo của hãng Apple. Tuy nhiên, nhìn kỹ thì phát hiện nhiều chi tiết giả mạo: Nhân viên đeo thẻ nhưng không đề tên tuổi mỗi người, cầu thang làm ẩu, tường sơn qua loa và nếu là cửa hàng chính thức của Apple thì chỉ có biểu tượng quả táo chứ không có biển Apple Store.

Một phát ngôn viên của hãng Apple xác nhận thông tin đăng tải của BirdAbroad là hoàn toàn đúng sự thật. Kiểm tra trên hệ thống đại lý chính thức của hãng này, Côn Minh có 3 cửa hàng nhái. Nhà sản xuất iPhone và các thiết bị số khác có 4 công ty ủy nhiệm tại Trung Quốc, 2 công ty ở Bắc Kinh và 2 ở Thượng Hải, cùng một số cửa hàng bán lẻ chính thức. Hãng Apple tại Bắc Kinh từ chối bình luận về vụ việc này.

Một giám đốc cửa hàng bán lẻ của hãng Apple tại Côn Minh họ Trương cho biết, hầu hết khách hàng đều không biết các cửa hàng đó là giả. “Ngày càng nhiều các cửa hàng Apple giả tại Côn Minh. Mặc dù họ có thể bán hàng chính hãng nhưng thường các sản phẩm Apple không được nhập khẩu hợp pháp và giá thành thì cao”, ông Trương cho biết.

Theo ông Ted Dean, Chủ tịch BDA China Ltd., một công ty nghiên cứu thị trường viễn thông: Chuyện các cửa hàng Apple nhái là ví dụ điển hình về nhái thương hiệu nhưng hàng giả của các hãng lớn như Apple ngày càng nhiều lên là điều không ngạc nhiên vì có lần ông đã nhìn thấy điện thoại Apple giả có logo quả táo, nhưng đó là quả táo nguyên vẹn, không bị mất một miếng.

Sự gia tăng các cửa hàng nhái này chứng tỏ sự trì trệ của chính quyền Trung Quốc nhằm đối phó với hàng giả, hàng nhái gây bức xúc cho các đối tác thương mại. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đầu năm nay đã cam kết với nhà chức trách Mỹ sẽ tăng cường kiểm tra việc vi phạm bản quyền sản phẩm. Tân Hoa xã tháng 7-2011 đưa tin, cảnh sát nước này đã bắt giữ hơn 9.000 đối tượng trong chiến dịch chống vi phạm bản quyền kéo dài 9 tháng, đồng thời đóng cửa hơn 12.000 nhà máy sản xuất hàng “nhái”.