Thẩm mỹ và tính cách… "ngồi xổm"

ANTD.VN - “Ngồi xổm” là từ thuần Việt để miêu tả một kỹ thuật ngồi của cư dân lúa nước. Người Việt chẳng cần ai dạy thì ngay từ bé đã biết đến kỹ thuật này. Người phương Tây chịu chết. Nhìn người Việt ngồi xổm với thái độ thán phục vô cùng.

Phần lớn lũ trẻ vẫn ngồi xổm đánh bi, đánh xèng, chơi ô ăn quan, chơi chuyền 

Đã có một anh chàng người Pháp những năm 1990 thế kỷ trước sang Hà Nội học tập than phiền rằng, anh đã học được đủ thứ từ người Việt kể cả ăn mắm tôm, hút thuốc lào, nhưng ngồi xổm thì chịu. Anh có thể ngồi kiểu quỳ gối và ngồi phệt, dĩ nhiên, nhưng ngồi xổm thì không. Điều đó dễ hiểu. Kỹ thuật ngồi xổm của người Việt đã được đúc kết từ nhiều nghìn năm trước. Chẳng phải ngày một ngày hai mà tập được. Một nghiên cứu về khớp mắt cá đã cho thấy người phương Tây có góc gấp bàn chân là 30 độ, trong khi người châu Á là 70 độ.

Người Việt không phân chia ra thành thị nông thôn cho đến tận bây giờ vẫn duy trì được kỹ năng ấy. Ở bờ ruộng dĩ nhiên ngồi xổm, chẳng có bàn ghế gì ở đấy, mặt đất đầy cây cỏ ẩm ướt chẳng thể ngồi phệt được. Ngồi xổm không chỉ là hành vi lúc nghỉ ngơi, có nhiều công việc bắt buộc người làm phải ngồi xổm. Sàng sảy thóc gạo, gói bánh, nhặt rau, chăm sóc hoa màu ở nông thôn. Chữa khóa, sửa xe, bán hàng rong ở phố phần lớn phải ngồi xổm.

Đã có một anh chàng người Pháp những năm 1990 thế kỷ trước sang Hà Nội học tập than phiền rằng, anh đã học được đủ thứ từ người Việt kể cả ăn mắm tôm, hút thuốc lào, nhưng ngồi xổm thì chịu. Anh có thể ngồi kiểu quỳ gối và ngồi phệt, dĩ nhiên, nhưng ngồi xổm thì không. Điều đó dễ hiểu…

Cái hố xí bệt cũng mới phổ biến trong vòng vài chục năm nay mà thôi. Trước đấy cả nông thôn và thành thị đều “xổm” tất. Trẻ con Hà Nội thập kỷ 60 đi học còn phân chia đẳng cấp bởi cái hố xí ở nhà. “Xí xổm” tất nhiên con nhà bình dân. Trông thấy anh chàng bơm xe đầu phố bắc ghế ngồi chắc chắn anh ấy ế khách. Bà bán bánh trôi, bánh chay quang gánh lồng tồng dù có chiếc ghế con giắt cạnh thúng hàng cũng ít khi lấy ra ngồi. Ghế ấy chỉ dùng lúc hết hàng ngồi đếm tiền chuẩn bị ra về.

Nhiều gia đình quý phái ở Hà Nội xưa dạy con cháu trong nhà không được ngồi xổm. Dĩ nhiên chỉ ở nhà thôi. Đến trường hoặc chạy nhảy trên phố thỉnh thoảng lũ trẻ vẫn phải ngồi theo tư thế “chó tiền rưỡi”. Đánh bi, đánh xèng, chơi ô ăn quan, chơi chuyền phần lớn lũ trẻ vẫn ngồi xổm. Phần vì không có dép để lót chỗ ngồi nhưng phần lớn là vì tư thế ngồi ấy rất cơ động.

Có thể đứng lên chạy ngay khi có biến. Bến tàu bến xe ngày trước ở Hà Nội rất ít ghế để ngồi nghỉ. Hành khách đương nhiên ngồi xổm. Hàng nước bán dạo ở ga, ở bến xe cũng chẳng có ghế ngồi. Khách và chủ hàng ngồi xổm xúm xít quanh giỏ hàng. Thuốc lào vê tay, chén nước đặt thẳng xuống mặt hè ngồi nhâm nhi cả tiếng đồng hồ chờ đến giờ lên tàu. Mấy anh chị lao động thời vụ ở các đầu ô ngồi xổm ăn cơm trưa trên phố là hình ảnh quen thuộc những năm 1980, 1990 ở Hà Nội.

Ngồi xổm có lẽ là kỹ năng của những vùng đất loạn ly, bất ổn. Đó là tư thế ngồi có thể chuyển sang đứng nhanh nhất. Để chạy. Về ăn cỗ ở quê thấy nhiều người già ngồi xổm đầu gối quá tai rất khó để biết rằng ông ấy đang ngồi xổm hay ngồi phệt. Cỗ quê ngày trước và thành phố hồi bao cấp chiến tranh đều trải chiếu ra ngồi. Cách ngồi ăn như thế bây giờ đã bắt đầu thấy lạ lẫm. Nhiều người không thể ngồi chiếu mà ăn uống được nữa. Không chỉ vì bụng to khó ngồi mà còn vì cả trang phục. Quần lá tọa dải rút và áo cánh thì ngồi thế nào cũng được. Quần tây ống hẹp và váy không sinh ra để phục vụ những bữa cỗ trải chiếu.

Người miền Nam gọi tư thế ngồi xổm là ngồi “chồm hổm”. Kể cũng hơi rầy rà dây dưa. Nhưng hóa ra rất đúng. Ngồi chồm hổm được hiểu như tạm bợ của đám người du thủ du thực không đàng hoàng. Chữ “chồm hổm” có ý khinh miệt kỳ thị nhiều hơn là mô tả cách ngồi.

Ở Hà Nội bây giờ rất khó để nhìn thấy ai ngồi xổm. Đàn ông đã không thấy mà đàn bà mặc váy lại càng không. Nhiều hàng bán rong, bánh cuốn, xôi sáng, bún gánh, bánh trôi… đều có ghế nhựa cho khách ngồi. Chị bán bánh cuốn chay ở phố Bát Đàn nhỏ to tâm sự, ngày trước em bán hàng mất ba năm vắng khách, nghĩ mãi mới ra là tại cái ghế của mình thấp quá chị em mặc váy không dám vào. Mua ghế nhựa cao lên một chút là khách vào nườm nượp, bóc bánh mỏi tay.

Thói quen ngồi xổm của dân Việt có lẽ ăn sâu trong tiềm thức. Chẳng cần ai dạy thì bất cứ đứa trẻ Việt nào cũng biết cách ngồi xổm. Nhưng thói quen ấy có tính cộng đồng. Những đứa trẻ Việt sinh ra ở Tây hoàn toàn không biết ngồi xổm, mặc dù bố mẹ chúng rất thành thạo việc này. Chỉ là sang Tây không có điều kiện để thực hành mà thôi. Thế nhưng những người Việt lam lũ ở bên Tây quanh chợ búa, bến xe vẫn duy trì được cách ngồi xổm. Sang Tây muốn hỏi thăm đường cứ nhìn thấy người ngồi xổm là có thể vững tin xổ ra một tràng tiếng Việt.

Tưởng rằng xã hội văn minh giàu có lên sẽ không còn ai ngồi xổm nữa mà không phải thế. Chữ “ngồi xổm” đã trở nên thành ngữ để nói về việc khác. Đơn cử như vài nghệ sĩ showbiz ăn mặc hớ hênh “ngồi xổm” lên dư luận đã được báo chí truyền thông góp ý rất tận tình. Tuy nhiên, thẩm mỹ cá nhân và tính cách “ngồi xổm” lên dư luận là “bệnh” vô phương cứu chữa.

Tin đọc nhiều