Thảm họa “tự do súng đạn”

ANTĐ - Vụ thảm sát kinh hoàng tại trường tiểu học Sandy Hook (quận Newtown, bang Connecticut, Mỹ) lại một lần nữa khiến dư luận nước Mỹ sôi sục đòi phải siết chặt việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ, một trong số ít ỏi các quốc gia chấp nhận quyền tự do sở hữu súng đạn.

Tưởng niệm những học sinh, thầy cô thiệt mạng trong vụ xả súng ở trường Sandy Hook

Các nhà chức trách Mỹ đang điều tra, làm rõ động cơ và nguyên nhân nào đã khiến hung thủ Adam Lanza, 20 tuổi, có thể gây ra vụ thảm sát đẫm máu, tước đoạt mạng sống của 28 người, trong số đó 20 là các học sinh từ mẫu giáo tới lớp 4. Dù vì bất cứ nguyên nhân và động cơ gì thì cũng có thể thấy ngay rằng tên sát nhân này khó có thể gây ra vụ thảm sát đẫm máu tới vậy nếu hắn không mang một lúc 3 khẩu súng tới ngôi trường Sandy Hook để thẳng tay bắn giết.

Chính vì thế, ngay sau khi hay tin về vụ thảm sát, rất nhiều nhân vật ở Mỹ một lần nữa lên tiếng, phải khẩn cấp ban hành các quy định nhằm siết chặt kiểm soát súng đạn vốn được bày bán công khai và tự do ở nước này. Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal thuộc bang Connecticut cùng nhiều Thượng nghị sĩ, Hạ nghị sĩ tên tuổi của đảng Dân chủ đã đồng thanh kêu gọi thông qua các luật kiểm soát nghiêm ngặt việc sở hữu súng đạn. 

Đây không phải lần đầu tiên nước Mỹ lên tiếng đòi phải kiểm soát súng đạn. Cứ sau mỗi vụ xả súng như các vụ thảm sát ở Đại học Công nghệ Virginia năm 2007 làm 32 người chết,  trường phổ thông Columbine 1999 làm 15 người thiệt mạng… hay vụ “vãi đạn” trong rạp chiếu phim vào dịp công chiếu bộ phim “Người dơi trở lại” làm 12 người thiệt mạng, 58 người bị thương hồi tháng 7 và mới đây nhất là vụ thảm sát trường tiểu học Sandy Hook thì nước Mỹ lại dấy lên làn sóng đòi hỏi phải kiểm soát súng đạn.

Tuy nhiên, đòi hỏi đó không dễ được thực hiện tại Mỹ, một trong số ít các quốc gia trên thế giới mà quyền tự do sở hữu súng đạn được ghi trong Hiến pháp. Vì thế, dù đã có lần đưa Tòa án tối cao để phán xử xem có nên cấm súng đạn hay không, phe ủng hộ súng đạn đã thắng với lý lẽ rằng do tình hình quá bất an nên buộc mọi người phải mua súng để tự bảo vệ. Việc cấm mua súng là đè nén các quyền tự do cơ bản của người dân. 

Tự do sở hữu súng đạn nên không quốc gia nào trên thế giới có nhiều súng như ở Mỹ với khoảng 270 triệu khẩu các loại trên 315 triệu dân. Tính ra mỗi năm các cửa hàng súng đạn của nước này bán ra tới 11 triệu khẩu cho người dùng. Nhiều súng đạn nên Mỹ cũng là nước đứng đầu thế giới về nạn nhân của súng đạn với khoảng 100.000 người thương vong mỗi năm, trong đó khoảng 30.000 bị thiệt mạng. 6 trong số 44 Tổng thống Mỹ là nạn nhân của các vụ ám sát bằng súng.

Súng đạn đã hình thành thứ gọi là “văn hóa súng đạn” tại Mỹ, trong đó Hiệp hội súng đạn Mỹ (NRA) gồm 4,5 triệu hội viên là một tổ chức rất có thể lực tại quốc gia này, thường quyên góp tới hàng triệu USD vào mỗi kỳ bầu cử và có tới 4/5 ứng cử viên mà Hiệp hội này ủng hộ đã đắc cử Tổng thống thời gian qua. Bởi thế, dù lên án rất mạnh mẽ vụ thảm sát ở trường Sandy Hook nhưng Tổng thống Barack Obama cũng không hề đề cập tới việc cấm súng đạn.