Thảm họa thời bình

ANTĐ - Tai nạn giao thông được xem là “thảm họa thời bình” khi số người thương vong đã vượt xa số nạn nhân chiến tranh và xung đột trên thế giới hàng năm.

Một vụ tai nạn giao thông khủng khiếp do lỗi của con người  
được máy quay truyền hình tình cờ ghi lại

Ngày Thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm nay diễn ra đồng loạt trên khắp hành tinh với vô số các hoạt động phong phú, thiết thực trong ngày Chủ nhật (17-11). Trong đó nổi bật là chiến dịch truyền thống “Đốt lên hi vọng” gồm đốt nến, đuốc hay bật điện... từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm ngày 17-11 được tổ chức tại hầu hết các nước trên thế giới.

Với chủ đề “Hãy làm mọi con đường an toàn cho tất cả”, cộng đồng quốc tế muốn nhân Ngày tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm nay, nhấn mạnh đến vai trò trụ cột kế hoạch hành động toàn cầu vì cơ sở hạ tầng giao thông an toàn hơn. Cũng với chủ đề này, mỗi quốc gia theo sự quan tâm của mình có những cách thức riêng để thu hút sự chú ý, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề an toàn giao thông. 

Trong thông điệp nhân Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm nay, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nêu bật những thiệt hại to lớn về người và của do tai nạn giao thông gây ra. Theo đó, hiện nay trung bình mỗi năm trên thế giới có 1,24 triệu người bị chết vì tai nạn giao thông đường bộ và 50 triệu người bị thương tật suốt đời. 

Trong mấy năm nay, số người chết do tai nạn giao thông đường bộ có giảm chút ít ở 88 quốc gia, chủ yếu là các nước phát triển, song lại tăng mạnh ở 87 nước chủ yếu là các nước đang phát triển. Châu Phi hiện là nơi có tỷ lệ nạn nhân bị chết do tai nạn giao thông đường bộ cao nhất thế giới, với 24,1 người /100.000 dân, trong khi châu Âu được coi là nơi an toàn hơn hẳn với tỷ lệ tương ứng là 10,3 người/100.000 dân. 

Điều đáng lo ngại là tai nạn giao thông đã gây ra cái chết nhiều nhất cho thanh thiếu niên ở lứa tuổi từ 15-25, với mức trung bình mỗi năm có khoảng 400 nghìn người trẻ tử vong khi tham gia giao thông, tức là cứ mỗi ngày thảm họa này lại cướp đi mạng sống của hơn 1 nghìn thanh thiếu niên tuổi dưới 25. Nếu cộng đồng quốc tế không có các biện pháp thật quyết liệt và hiệu quả thì tới năm 2030 các nạn nhân của tai nạn giao thông sẽ là một trong 5 nhóm người chết cao nhất thế giới. 

Ngoài ra, tai nạn giao thông đường bộ còn gây ra những thiệt hại nặng nề về tài sản, tiền bạc và phí tổn thuốc men. LHQ ước tính, tai nạn giao thông làm giảm từ 1-3% GDP của các nước trên thế giới. 

Nhấn mạnh đến những thiệt hại to lớn về người và của do tai nạn giao thông gây ra, Tổng thư ký Ban Ki-moon trong thông điệp của mình đã kêu gọi chính phủ các nước cần đưa ra những hành động cụ thể để đảm bảo an toàn giao thông như là một phần trong chính sách phát triển tương lai. Ông nhắc lại việc LHQ đã thông qua Chương trình hành động 10 năm (2011-2020) đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, bằng cách áp dụng mọi biện pháp cần thiết như tuyên truyền về luật giao thông, nâng cấp đường bộ, lắp thêm biển báo, lập thêm các trạm cứu thương trên các tuyến giao thông huyết mạch… để giảm được ít nhất 5 triệu người chết trong chương trình hành động này.