“Tham bát bỏ mâm”

ANTĐ - Thể thao Việt Nam vừa đón tin vui khi tay vợt số 1 Nguyễn Tiến Minh được các CLB của Ấn Độ săn đón, đưa ra giá gần 1 tỷ đồng. Nhưng ít tai biết rằng trước đó, Tiến Minh từng bị Liên đoàn cầu lông Việt Nam cấm dự phiên đấu giá.

Chức vô địch giải Mỹ mở rộng 2013 vừa đoạt được đưa Tiến Minh vươn lên vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng đơn nam thế giới và giúp anh có lợi thế lớn ở giải vô địch Cúp các CLB Ấn Độ sẽ diễn ra vào tháng 8 tới. Một điểm đặc biệt là tại giải này, Ban tổ chức cho phép các CLB tham dự thuê và tổ chức đấu giá các VĐV hàng đầu thế giới. Với hạng 7 thế giới, Tiến Minh được nhiều CLB săn đón với mức đấu giá khởi điểm 25.000 USD. Kết thúc phiên đấu giá diễn ra chiều 22-7 (giờ địa phương) tại New Dehli (Ấn Độ), CLB Pune Vijetas đã bỏ ra 44.000 USD để có được sự phục vụ của tay vợt này. Đây là vinh dự rất lớn cho Tiến Minh khi hàng loạt các cao thủ khác như Boonsak Ponsana (Thái Lan), Kenichi Tago (Nhật), Tommy Sugiarto hay Kuncoro (Indonesia) đều không được CLB nào của Ấn Độ mua.

Thế nhưng, ít tai biết để có được món tiền đó và có cơ hội thi đấu, tích lũy điểm, Tiến Minh đã phải trải qua không ít khó khăn từ sự cản ngăn của “người nhà”. Sự việc bắt nguồn từ giữa tháng 5-2013, khi Tiến Minh đề đạt nguyện vọng được sang dự giải Ấn Độ, song đã không được Liên đoàn cầu lông Việt Nam chấp thuận. Nguyên nhân là do giải Ấn Độ trùng với giải Việt Nam Open 2013. Ai cũng biết, Tiến Minh là “bộ mặt” của chủ nhà và nếu thiếu anh, các tay vợt Việt Nam chắc chắn thua thê thảm. Cũng bởi sợ mất thể diện mà Liên đoàn cầu lông Việt Nam đã yêu cầu Tiến Minh phải ở nhà dự giải đấu đó. Thậm chí giới quản lý cầu lông Việt Nam còn dùng “màu cờ sắc áo” để “ép” Tiến Minh từ bỏ ý định sang Ấn Độ đánh thuê. Mọi việc chỉ kết thúc sau khi Tiến Minh cùng gia đình bày tỏ bức xúc với báo giới, Liên đoàn cầu lông Việt Nam khi đó mới chịu để Tiến Minh dự giải Ấn Độ và dời giải Việt Nam Open sang tháng 12. 

Sự việc trên cho thấy sự thiếu hợp lý trong tính toán của giới quản lý cầu lông. Ai cũng biết, sang Ấn Độ thi đấu không chỉ là cơ hội để quảng bá hình ảnh cầu lông Việt Nam mà còn giúp VĐV tăng thu nhập. Có một sự thật là ở môn cầu lông, việc hỗ trợ để Tiến Minh phát triển hết tài năng thì không được quan tâm, nhưng giới quản lý lại rất biết cách “tận dụng” giá trị của VĐV này để làm lợi cho mình, dù việc làm đó thường xuyên bị phê phán là thiếu tầm nhìn, là “tham bát bỏ mâm” mà chuyện yêu cầu Tiến Minh bỏ các giải quốc tế để dự giải trong nước suốt thời gian qua là ví dụ. Chia sẻ với báo chí, Tiến Minh tâm sự anh cảm thấy tủi thân khi cô đơn thi đấu xứ người, trong khi ngay cả các tay vợt kém tên tuổi quốc tế khác cũng có riêng ê-kip HLV, chăm sóc viên đi theo. Cần phải nhắc lại rằng thành quả hiện tại Tiến Minh có được phụ thuộc phần lớn vào tiền của gia đình và nỗ lực cá nhân. Những lúc Tiến Minh khó khăn cần sự giúp đỡ thì chẳng thấy vị lãnh đạo nào lên tiếng. Nhưng hễ mỗi khi có giải trong nước là y như rằng, Tiến Minh lại được lãnh đạo cầu lông và cả ngành thể thao dùng như “phao cứu sinh” để giữ thể diện.