Thái Lan: Quân đội làm trung gian hòa giải?

ANTĐ - Ngày 10-1, Thủ tướng Yingluck đã kêu gọi quân đội làm trung gian tổ chức đàm phán với lực lượng biểu tình, nhằm tìm cách chấm dứt cuộc xung đột chính trị đang diễn ra. 

Bà cho biết chính phủ của bà sẵn sàng đàm phán với người biểu tình của Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân (PDRC), lực lượng có kế hoạch làm tê liệt Bangkok bằng việc chiếm đóng nhiều con đường và giao lộ chính ở thủ đô từ ngày 13-1 trở đi.

Thủ tướng Yingluck cho rằng chính phủ của bà ủng bộ một cuộc cải cách quốc gia, nhưng phải được thực hiện song song với một cuộc tổng tuyển cử và quá trình này sẽ phải mất nhiều năm, nên nó không thể được tiến hành trước cuộc bầu cử tới theo yêu cầu của PDRC

Theo thủ tướng tạm quyền, nhiệm vụ chính của quân đội là bảo vệ đất nước, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại họ cũng có thể giữ vai trò là người làm trung gian hòa giải. Chính phủ sẵn sàng ủng hộ bất cứ ai có thể giúp bắt đầu cuộc đối thoại với lực lượng biểu tình, bà cho biết.

Trong khi đó, cũng trong ngày 10-1, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã yêu cầu chính phủ hủy bỏ cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 2-2 tới, do có thể không triệu tập đủ số nghị sỹ tại Hạ viện để triệu tập cuộc họp đầu tiên.

Lực lượng đối lập có kế hoạch làm tê liệt Bangkok  từ ngày 13-1 trở đi

Theo ủy viên Ủy ban bầu cử Somchai Srisutthiyagorn, các thành viên ủy ban bầu cử đã đưa ra quan điểm này tại một cuộc họp, trước khi gửi một bức thư cho chính phủ của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra.

Bức thư này có chữ ký của cả năm thành viên trong ủy ban, trong đó nói rõ rằng cuộc bầu cử sắp tới có thể sẽ dẫn tới nhiều vấn đề phức tạp.

Ủy ban bầu cử đã khuyên nội các tạm quyền sử dụng quyền lực để đề xuất nhà Vua ban hành một sắc lệnh hoàng gia mới để tạm hoãn cuộc bầu cử đã được ấn định vào ngày 2-2.

Truyền thông Thái Lan dẫn lời bức thư trên cho rằng Hạ viện mới của Thái Lan sẽ không thể triệu tập được sau cuộc bầu cử, bởi sẽ không thể có đủ 95% trong tổng số 500 nghị sỹ có mặt trong phiên họp đầu tiên theo yêu cầu của Hiến pháp.