Thái Lan: Phe “Áo đỏ” tuyên bố sẵn sàng hòa giải

ANTĐ - Ngày 7-12, bà Thida Thawornseth, lãnh đạo phong trào Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) tại Thái Lan hay còn gọi là phe “Áo đỏ” khẳng định phong trào này sẵn sàng hòa giải với các lực lượng đối địch, trong đó có những người “Áo vàng” thuộc Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD).

Phe “Áo đỏ” chỉ hòa giải khi được đáp ứng đủ 3 điều kiện

Tuy nhiên, phát biểu trong cuộc họp nhằm vạch ra những bước hành động tiếp theo của phe “Áo đỏ”, bà Thida Thawornseth cho biết, UDD chỉ xúc tiến hòa giải khi 3 điều kiện được đáp ứng, đó là làm rõ sự thật về các biến cố chính trị, đưa những người chịu trách nhiệm về cuộc trấn áp biểu tình năm 2010 ra xét xử và có một kế hoạch đảm bảo ngăn chặn tái diễn đổ máu.

Trước đó, ngày 6-12, ông Sonthi Boonyaraglin, trong bài phát biểu với tư cách là Chủ tịch Ủy ban hạ viện về hòa giải đã kêu gọi các bên hãy tha thứ. Ông Sonthi cũng cho biết sẽ mời các phe phái tới để khẳng định và giải thích rõ ràng về những điều kiện để hòa giải. Tuy nhiên, bà Thida nói rằng lời kêu gọi hòa giải này là lời nói “suông” mà không có một kế hoạch rõ ràng. Theo bà, phe “Áo đỏ” chỉ hòa giải khi 3 điều kiện trên được đáp ứng, đặc biệt sau khi thủ phạm gây ra đổ máu phải bị đưa ra xét xử.

 Cũng trong ngày 7-12, ông Arisman Pongruangrong, thủ lĩnh phong trào “Áo đỏ”, một trong những nhân vật bị truy nã gắt gao nhất ở Thái Lan đã ra đầu thú nhà chức trách. Ông Arisman đã lãnh đạo phong trào UDD tiến hành các cuộc biểu tình chống chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva hồi tháng 5-2010 và bỏ trốn sang Campuchia sau cuộc trấn áp của lực lượng an ninh làm hơn 90 người thiệt mạng.

Hiện ông Arisman đang đối mặt với các cáo buộc phạm tội thời chính quyền của Thủ tướng Abhisit (2008-2011). Ông Arisman bị buộc tội cầm đầu những người chống đối xông vào tòa nhà quốc hội, tấn công đài phát thanh vệ tinh ở tỉnh Pathum Thani và một vài tội danh khác, trong đó có tội khủng bố. Tuy nhiên, ông Arisman đã phủ nhận tất cả các tội danh trên. “Tôi sẽ yêu cầu tòa án hiến pháp xem xét những tội danh cáo buộc tôi có quá nặng hay không. Tôi trở về vì tôi tin vào hệ thống tư pháp hiện nay ở Thái Lan và tin tưởng tôi sẽ an toàn” - ông Arisman nói. Sau khi cùng luật sư đến tòa án trình diện và nộp số tiền bão lãnh 2 triệu baht (83.000 USD), ông Arisman đã được tại ngoại.