Thái Lan cân nhắc áp đặt tình trạng khẩn cấp sau “Ngày cuối tuần bạo lực”

ANTĐ - Giới chức Thái Lan đang cân nhắc “rất nghiêm túc” việc thông báo tình trạng khẩn cấp sau ngày cuối tuần bạo lực tại thủ đô, nơi những người biểu tình trong hai tháng qua đang cố gắng hạ bệ Chính phủ.

“Chúng tôi đang chuẩn bị công bố một sắc lệnh khẩn cấp... tất cả mọi người bao gồm cả quân đội, cảnh sát, chính phủ đang xem xét lựa chọn rất nghiêm túc này, nhưng vẫn chưa đi đến thỏa thuận”, Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattantabutr trả lời Reuters, sau cuộc gặp với Thủ tướng tạm quyền Yingluck .

“Những người biểu tình cho biết, họ sẽ đóng cửa các văn phòng chính phủ khác. Tính đến thời điểm hiện tại, việc đóng cửa của họ chỉ mang tính tượng trưng, họ đến các văn phòng chính phủ, sau đó dời đi”.

“Nhưng nếu chiến thuật của họ thay đổi, họ đóng cửa các ngân hàng, các văn phòng chính phủ vĩnh viễn, sau đó tình trạng bất ổn có cơ hội gia tăng, thì chúng tôi sẽ đưa ra sắc lệnh này”, ông Paradorn cho biết.

Sắc lệnh khẩn cấp sẽ được giao cho cơ quan an ninh có đầy đủ quyền hạn để áp đặt lệnh giới nghiêm, bắt giữ kẻ tình nghi mà không cần lệnh bắt, kiểm duyệt các phương tiện truyền thông, cấm các cuộc tụ họp chính trị từ trên năm người và thông báo một phần đất nước ngoài kiểm soát.

Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban


Quy mô các cuộc biểu tình đã giảm nhưng Trung tâm Quản trị Hòa bình và trật tự (CAPO) - một cơ quan gồm chính phủ và các quan chức an ninh - cho biết, các cuộc biểu tình nhỏ đã lan sang 18 khu vực khác.

“Những người biểu tình không đe dọa đóng cửa tòa nhà chính phủ nhưng họ lại thực hiện theo lệnh của lãnh đạo cuộc biểu tình tại Bangkok, vì vậy chúng tôi đang phải để ý đến họ”, Phó phát ngôn viên CAPO, ông Anucha Romyanan nói với Reuters.

Hôm 17 và 19-1 một người đàn ông đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương, một số người bị thương nặng, khi liên tiếp 3 vụ ném lựu đạn và đánh bom vào đoàn người biểu tình chống chính phủ ở trung tâm thành phố.

Paul Chambers, Giám đốc nghiên cứu tại Viện các vấn đề Đông Nam Á tại Đại học Chiang Mai cho rằng, các cuộc tấn công đã được tính toán nhằm mục đích kích động phản ứng của quân đội do bạo lực gia tăng. Tiếp đến Ủy ban Bầu cử sẽ từ chối giám sát cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2-2 tới, trong đó phe đối lập được cho là bị “tẩy chay”.

Những biến động tại Thái Lan đe dọa đến tăng trưởng của nền kinh tế của nước này. Theo khảo sát của Reuteurs, ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống 2% trong tuần này.