Thái độ của phương Tây đã “giết chết” dự án Dòng chảy phương nam

ANTĐ - Ngày 2-12, Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Mỹ, Mark Stroh trao đổi với Sputnik rằng, quyết định tạm dừng dự án “Dòng chảy phương nam” là kết quả của những áp lực mà phương Tây áp đặt lên Nga bao gồm cả các biện pháp trừng phạt và thái độ “không mang tính xây dựng” của EU. 

Thái độ của phương Tây đã “giết chết” dự án Dòng chảy phương nam ảnh 1 Đường ống dẫn khí của dự án "Dòng chảy phương nam"


Phát ngôn viên Stroh cho biết, tuyên bố tạm dừng dự án “Dòng chảy phương nam”, vốn chạy qua Hắc Hải để tới Bulgaria rồi sau đó đi đến các nước Nam Âu là do Moscow đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhằm thực hiện cải cách thị trường và làm giảm khả năng Nga sử dụng khí đốt như một công cụ cưỡng chế.

Trước đó, ngày 1-12, trong chuyến thăm tới Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga, Vladimir Putin đã tuyên bố, Moscow sẽ không tiếp tục thực hiện dự án “Dòng chảy phương nam” nữa bởi vì đối với dự án này, thái độ của Ủy ban châu Âu “không mang tính xây dựng”.

Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga,  Alexey Miller cũng khẳng định rằng, Moscow đóng cửa dự án “Dòng chảy phương nam” và không có kế hoạch khôi phục lại nó.

Ông Stroh lưu ý, theo như Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã nhấn mạnh trước đó rằng, nếu Tổng thống Putin sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp lâu dài đối với cuộc xung đột tại Ukraine, cam kết thực hiện nghiêm túc thỏa thuận Minsk thì lệnh trừng phạt của phương Tây có thể được nới lỏng.

Ngược lại, nếu Nga tiếp tục vi phạm các cam kết đã ký theo Hiệp định Minsk thì các nước phương Tây sẽ xem đây là tín hiệu chứng tỏ nước Nga không có ý định thực hiện các cam kết và “cái giá” mà nước này phải trả tiếp tục tăng.

Đối với dự án “Dòng chảy phương nam” cũng vậy, tốt nhất là Nga nên làm theo các quy định của EU để tránh làm căng thẳng tiếp tục leo thang.

Trong năm 2012, tập đoàn năng lượng Gazprom đã công bố dự án “Dòng chảy phương Nam”, xây dựng đường ống qua biển Đen không qua Ukraine tới miền nam châu Âu,  để giảm rủi ro khí đốt được vận chuyển tới khu vực này bị gián đoạn do cuộc khủng hoảng Ukraine. Dự kiến, toàn bộ đường ống sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2018.

Thế nhưng, Ủy ban châu Âu lại có thái độ “không mấy thân thiện” đối với dự án này và cho rằng, nó đã vi phạm “Gói năng lượng thứ 3 của EU”, trong đó quy định các đường ống khí đốt của các thành viên EU không được do nhà cung cấp khí đốt xây dựng.

Đáp lại, Moscow khẳng định, việc xây dựng đường ống dẫn khí không đi ngược lại với quy định trong “Gói năng lượng thứ 3 của EU”.