Thách thức với “Tổng thống đắc cử” Peru Pedro Castillo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đầu tháng 6-2021, Văn phòng bầu cử quốc gia Peru cho biết, ứng cử viên Pedro Castillo dẫn trước trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 tại quốc gia Nam Mỹ này. Không giống như hầu hết các nhà lãnh đạo mới khác, ông Pedro Castillo cần đưa nhóm chuyển tiếp của mình vào công việc mới càng sớm càng tốt.
Ông Pedro Castillo vẫn chưa được tuyên bố là người chiến thắng cuối cùng vì còn khiếu nại trong kết quả bầu cử

Ông Pedro Castillo vẫn chưa được tuyên bố là người chiến thắng cuối cùng vì còn khiếu nại trong kết quả bầu cử

Lý do đó là gì? Thứ nhất, đợt bùng phát đại dịch thứ ba ngày càng có khả năng xảy ra ở Peru, quốc gia đã có tỷ lệ tử vong do Covid-19 tính theo đầu người tồi tệ nhất thế giới cho đến nay. Biến thể Delta rất dễ lây lan vừa được phát hiện ở Arequipa, buộc nhà chức trách tính đến phong tỏa thành phố thứ hai của Peru.

Thứ hai, cho đến nay, ông Castillo, 51 tuổi dù dự kiến sẽ giành chiến thắng nhưng chiến dịch vận động tranh cử của ông có gì đó vẫn lộn xộn. Nhiều người đã bỏ phiếu cho người xuất thân từ giáo viên trường làng và lãnh đạo công đoàn đến từ vùng Cajamarca nghèo khó, phía Bắc dãy Andes nhưng họ vẫn nghi ngại liệu ông đã sẵn sàng cho những thách thức lịch sử đưa Peru thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe cộng đồng sau khi ông tuyên thệ vào ngày 28-7, kỷ niệm 200 năm độc lập của Peru hay không.

Tuy nhiên, chướng ngại ngay trước mắt đó là một loạt các thách thức pháp lý chưa từng có từ đối thủ của ông, Keiko Fujimori, con gái của cựu Tổng thống Alberto Fujimori. Bà Keiko Fujimori đang đưa ra cáo buộc về “gian lận” bầu cử. Cáo buộc được đưa ra bất chấp sự tham gia của các quan sát viên bầu cử quốc tế và nhiều nước ca ngợi các cơ quan bầu cử của Peru đã tổ chức bầu cử minh bạch, trong sạch và công bằng, không có bất thường đáng kể nào.

Bà Keiko Fujimori, 46 tuổi, đang đấu tranh để loại bỏ gần 200.000 lá phiếu, chủ yếu từ các cử tri bản địa và chủng tộc hỗn hợp từ vùng núi nghèo khó ủng hộ ông Castillo. Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, ông Castillo dẫn trước 40.000 phiếu trong tổng số 18,8 triệu phiếu bầu, nhưng không thể chính thức được tuyên bố là Tổng thống đắc cử cho đến khi đơn kiện của bà Fujimori được giải quyết. Và quá trình này có thể mất nhiều tuần.

Trong lịch sử, ông Alberto Fujimori, cha bà Keiko từng sử dụng xe tăng quân đội để đánh sập Quốc hội trước khi chế độ của ông sụp đổ trong bối cảnh bị cáo buộc gian lận bầu cử. Ông ta đang thụ án 25 năm vì ra lệnh giết người. Giờ đây, con gái ông đang phải đối mặt với một phiên tòa xét xử riêng, vì bị cáo buộc rửa 17 triệu USD. Bà Keiko có thể lĩnh án tù trừ khi bà có được quyền miễn trừ của Tổng thống. Ngoài cáo buộc gian lận bầu cử, những người ủng hộ bà Keiko đã phát động các cuộc tấn công trên mạng xã hội mang tính chủng tộc nhằm vào người ủng hộ chính trị gia đối thủ. Điều đó đã khiến bà Michelle Bachelet, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền ra tuyên bố lên án “ngôn từ kích động thù địch và phân biệt đối xử” đồng thời kêu gọi tất cả người dân Peru chấp nhận chiến thắng rõ ràng của ông Castillo.

Theo các nhà quan sát, một khi được xác nhận là người chiến thắng cuối cùng, ông Castillo sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ quan trọng đó là điều chỉnh nền kinh tế và dẫn dắt xã hội đang bị chia rẽ vượt qua đại dịch. Nền kinh tế của nước này đã suy giảm 11% vào năm ngoái và khiến hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, trong đó có hơn 1 triệu trẻ em. Mặc dù chính phủ sắp mãn nhiệm của Tổng thống lâm thời Francisco Sagasti đã ký hợp đồng để mua 60 triệu vaccine Covid-19, nhưng cho đến nay chưa đầy 5% dân số trong tổng số 32 triệu dân đã được tiêm chủng đầy đủ.

Đáng nói, ông Castillo không phải là thành viên được đảng đề cử ứng viên Tổng thống mà chỉ giành được đề cử ở phút cuối khi người sáng lập đảng bị cấm tranh cử vì cáo buộc tham nhũng. Mặc dù là đảng lớn nhất, đảng Peru Tự do của ông Pedro Castillo chỉ có có 37 nghị sĩ trong số Quốc hội 130 thành viên. Nếu không muốn rơi vào tình thế bế tắc ở một Quốc hội vốn chia rẽ, ông sẽ phải chọn điều tiết các chính sách một cách linh hoạt để đạt mục tiêu “Không còn người nghèo ở một quốc gia giàu có” như khẩu hiệu chiến dịch tranh cử của ông.