Thách thức tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ gặp phải trong thời kỳ “hậu Abe”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Quyết định từ chức đột ngột của ông Abe Shinzo vào cuối tháng 8 đã buộc Nhật Bản phải nhanh chóng tìm kiếm một gương mặt mới để lãnh đạo đất nước và lấp đầy những khoảng trống mà ông để lại.
3 ứng viên sáng giá cho vị trí tân Thủ tướng: Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide, người đứng đầu chính sách của Đảng Dân chủ tự do Kishida Fumio và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba Shigeru

3 ứng viên sáng giá cho vị trí tân Thủ tướng: Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide, người đứng đầu chính sách của Đảng Dân chủ tự do Kishida Fumio và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba Shigeru

Khoảng trống chính trị

Sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo quyết định từ chức vào ngày 28-8, một lỗ hổng lớn đã hình thành trong bộ máy lãnh đạo của đất nước này. Theo chuyên gia phân tích Tobias Harris đến từ Công ty tư vấn chính trị Teneo (New York, Mỹ), người kế nhiệm ông Abe cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần để đối phó với một năm “khá khó khăn”. Nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản sẽ phải nhanh chóng bắt tay và có những chiến lược cụ thể để giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước.

Ông Harris nhận định, đảng Lao động tự do (LDP) sẽ đẩy nhanh quá trình tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới để lấp đầy khoảng trống của ông Abe Shinzo, thủ tướng tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản. Sự ra đi đột ngột của ông Abe đã khiến Nhật Bản trở nên lao đao sau một thời gian dài ổn định dưới sự dẫn dắt của ông. Ông Waqas Adenwala - chuyên gia phân tích tình hình châu Á của The Economist Intelligence Unit cho biết: “Đặc trưng của chính quyền Thủ tướng Abe Shinzo là sự lãnh đạo mạnh mẽ và ổn định. Trước đó, Nhật Bản từng trải qua một giai đoạn bất ổn khi phải liên tiếp thay thế vị trí người đứng đầu. Sự thống nhất nội bộ bên trong đảng LDP nhiều khả năng sẽ xấu đi bởi các phe phái sẽ cố gắng đưa thành viên của mình lên lãnh đạo”.

Được biết, nếu tiếp tục, nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe Shinzo sẽ kết thúc vào tháng 9-2021. Hiện tại, ông Abe vẫn sẽ hoàn thành trách nhiệm của mình cho tới khi Tokyo ấn định được nhà lãnh đạo mới. Được biết, đảng LDP đã quyết định ngày 14-9 là ngày diễn ra cuộc bầu cử Thủ tướng mới. Tân Thủ tướng sẽ giữ vai trò lãnh đạo tới tháng 9-2021. Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sự giới hạn của thời gian, LDP sẽ thu nhỏ quy mô bỏ phiếu.

Đã có nhiều quan chức đứng ra tranh cử cho vị trí tân Thủ tướng Nhật Bản, trong đó ứng viên sáng giá nhất là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba Shigeru với tỷ lệ ủng hộ hiện nay vào khoảng 23,3%. Ngoài ra, một vài gương mặt nổi bật khác có thể kể đến Bộ trưởng Môi trường Koizumi Shinjiro (8,4% lượt ủng hộ) và Ngoại trưởng Motegi Toshimitsu, người được kỳ vọng cao khi đã thể hiện khả năng đàm phán sau hàng loạt chuyến công du tới Singapore, Malaysia và Anh quốc.

Chính sách kinh tế và ngoại giao khó thay đổi

Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã gây không ít tổn hại đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nagai Shigeto của Đại học Oxford, dù ai kế nhiệm ông Abe thì cũng khó có thể đưa ra một sự thay đổi ngay lập tức đối với nền kinh tế hiện tại. Ông Nagai phát biểu: “Cuộc bầu cử mới đang gấp rút được thực hiện, bất kỳ nhà lãnh đạo nào của đảng LDP đều không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chính sách hỗ trợ tài chính đối với những người chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Lý do bởi đây là một việc cần thiết và không bị bất kỳ đảng phái đối lập nào phản đối”.

Sự rút lui đột ngột của Thủ tướng Abe cũng khiến Nhật Bản gặp phải không ít khó khăn trong vấn đề ngoại giao. Là Thủ tướng lâu năm nhất của Tokyo, ông Abe từng thiết lập nhiều mối quan hệ cấp cao với chính trị gia các nước. Tuy nhiên, vị thế Nhật Bản khi vắng bóng ông Abe sẽ có nhiều thay đổi. Đầu tiên, phải kể tới quan hệ với Mỹ. Trước đó, ông Abe Shinzo từng thiết lập mối quan hệ hảo hữu với đương kim Tổng thống Donald Trump khi cả 2 cùng chia sẻ niềm yêu thích với bộ môn golf.

Nhưng hiện nay, việc ông Abe rút lui vào đúng lúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn nước rút đã đặt một trọng trách lớn lên vai Thủ tướng kế nhiệm. Tân Thủ tướng sẽ phải tìm cách đối phó với 1 trong 2 ứng viên Tổng thống là ông Joe Biden hoặc ông Donald Trump trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng cần tự thiết lập một mối quan hệ ngoại giao mới với lãnh đạo cường quốc hàng đầu thế giới. Với việc ông Abe từ chức, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn đang bất ổn sẽ mất đi một bên ủng hộ quan trọng với chính sách cạnh tranh và đối đầu Trung Quốc tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu.

Liệu người kế nhiệm ông Abe có tiếp tục dẫn dắt Nhật Bản theo con đường mà ông từng đi hay không sẽ gây tác động vô cùng lớn đối với đất nước. Đây đồng thời là một bài toán khó cho nhà lãnh đạo tiếp theo, họ phải tìm cách chứng minh năng lực của mình chỉ trong vỏn vẹn một năm tới để có thể nhận được tín nhiệm của người dân.