Thách thức không nhỏ

ANTĐ - Sau khi lạm phát có dấu hiệu tăng chậm lại trong hai tháng 5 và 6, “bỗng dưng” sang tháng 7, lạm phát lại “trỗi dậy” tăng 1,17% so với tháng 6.

Thực ra, ngay cả trong tháng 5 và 6, không hề giảm mà chẳng qua là tăng chậm lại mà thôi. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 1,17% là so với tháng 6, nếu so với cùng kỳ năm 2010 thì CPI đã tăng tới 22,16%. Từ nay đến cuối năm chỉ còn 5 tháng, nhưng có lẽ là đoạn đường khá dài mà thách thức lớn nhất là kiềm chế lạm phát dưới 17%.

Đã có nhiều kỳ vọng rằng lạm phát tháng 7 sẽ giảm xuống dưới 1%. Bởi vì khá nhiều chuyên gia tỏ ra hơi lạc quan về mức độ ảnh hưởng và tác động của nhóm hàng, lương thực - thực phẩm, vốn là phần chiếm tỷ lệ lớn trong “giỏ” CPI. Phân tích cơ cấu lạm phát trong 6 tháng đầu năm cho thấy, nhóm hàng lương thực - thực phẩm và dịch vụ ăn uống đã tăng giá hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với tốc độ tăng “kỷ lục” như vậy, nhóm hàng này đã “góp phần” tới 60% đẩy chỉ số giá tăng vọt ngoài dự đoán thông thường và có phần duy ý chí. Nên nhớ rằng, nếu chia nhỏ nhóm hàng này theo từng vùng miền, thì ảnh hưởng lớn nhất là từ khu vực phía Bắc khi trong vòng hai tháng qua, lạm phát đã gần như “vượt rào” các chỉ số lương thực, thực phẩm khiến cho CPI tháng 7 tăng mạnh. Điều này nói lên một thực tế hiển nhiên là, chuyện “ăn uống” hàng ngày đối với đại bộ phận dân chúng vẫn là nỗi lo thường trực. Người dân, trước hết vẫn cứ phải quan tâm tới cái... dạ dày rồi mới tính đến chuyện tiêu pha, mua sắm, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí cao xa.

Nằm trong “vùng trũng” thu nhập bình quân đầu người trên thế giới, mức tăng giá hàng lương thực, thực phẩm của nước ta không chỉ bị chi phối bởi những tác động ngay trong nước, mà còn bị “lây truyền” từ những yếu tố mang tính toàn cầu như sự gia tăng của giá hàng lương thực, thực phẩm thế giới. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cũng cho thấy đã tăng khoảng 40% so với tháng 6 năm ngoái và chưa có dấu hiệu cho thấy xu thế gia tăng sẽ sớm đảo chiều. Giá đường, thậm chí còn tăng trên 50%, giá ngũ cốc vượt lên tới trên 70%, góp phần đẩy chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng cao.

Nhiều thông tin cho là giá lương thực của Trung Quốc tăng mạnh đã ảnh hưởng đến Việt Nam, cụ thể là khu vực phía Bắc. Chưa có con số chính xác đánh giá nhưng chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ tới nước ta do địa lý kinh tế, giao thương giữa hai nước cũng như cơ cấu thị trường nội địa. Chỉ biết rằng, giá lương thực, thực phẩm của Trung Quốc cũng chiếm trên 30% trong “giỏ” CPI và cũng tăng cao như Việt Nam. Xu hướng chi tiêu cho ăn uống khó có thể thay đổi một sớm, một chiều ở nước ta. Do đó, bất chấp lạm phát, người dân có thể “buộc bụng” chi tiêu những thứ chưa cần thiết, nhưng khó “buộc miệng”. Nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm được dự đoán vẫn duy trì ở mức cao hoặc ngang bằng như năm ngoái so với nhiều mặt hàng.

Vậy liệu khả năng lạm phát, thách thức lớn nhất từ nay đến cuối năm, có thể tăng đến đâu? Các chuyên gia cho rằng lạm phát sẽ chạm “đỉnh” trong tháng 9 và ở mức 23%. Việc kiềm chế lạm phát không hẳn sẽ đạt được mục tiêu nếu chỉ việc thắt chặt tiền tệ. Ngay cả khi cắt giảm mạnh chi tiêu công cũng không có nghĩa là giá cả hàng thiết yếu sẽ tụt xuống ngay tức thì.