Thách thức khổng lồ của tân Tổng thống Iran

ANTĐ - Giáo chủ theo đường lối ôn hòa Hassan Rowhani, 64 tuổi, đã trở thành tân Tổng thống của Iran. Sau 8 năm dưới quyền của Tổng thống thuộc đảng Bảo thủ, chiến thắng của ông Rowhani được được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi bước ngoặt kinh tế cho quốc gia, tháo gỡ thế bế tắc xung quanh chương trình hạt nhân của nước này. 

Mặc dù Rowhani không phải là lựa chọn hàng đầu của Nhà lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói cuối cùng trong tất cả các quyết định quan trọng về chính sách, nhưng thực tế, việc giáo chủ Hassan Rowhani có phong cách ôn hòa, nhẹ nhàng với các kỹ năng đàm phán tài tình trở thành Tổng thống đắc cử của Iran đã mang lại lợi ích cho các phe phái chính trị phân hóa, các tầng lớp xã hội tại Iran và chính quyền.

Sự ủng hộ của dân chúng với Tổng thống mới đắc cử là một dấu hiệu cho thấy sự mong muốn giải quyết các vấn đề nhức nhối về kinh tế, chia rẽ về chính trị đang tác động tiêu cực tới quốc gia này kể từ khi đối đầu với phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân và làn sóng chống Chính phủ từ năm 2009.

Trước hết là kinh tế

Tân Tổng thống Iran sẽ phải đối mặt với thách thức khổng lồ để vực Iran đứng dậy, vững vàng và ổn định trở lại đồng thời hàn gắn mối quan hệ xuống cấp trầm trọng giữa Iran và phương Tây trong suốt nhiều năm qua. Ông Rowhani đặt ưu tiên giải quyết hàng đầu những khó khăn về kinh tế mà quốc gia này đang phải đối mặt, sau đó mới đến chính trị. Iran đã gánh nhiều thiệt hại nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và các đồng minh phương Tây nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo. Iran không chỉ bị thất thu hàng chục tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ mà những hệ quả nghiêm trọng chính là tình trạng lạm phát, thất nghiệp tăng cao và đồng tiền nội tệ mất giá thảm hại. Ngoài ra, biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính của Mỹ và phương Tây khiến Iran gặp khó khăn trong tiếp cận khoản doanh thu hơn 60 tỷ USD mà nước này gửi tại các ngân hàng của Trung Quốc và Ấn Độ. 

Trước những thách thức kinh tế, ông Rowhani cam kết sẽ cứu vãn nền kinh tế Iran, thiết lập quan hệ tương tác mang tính xây dựng với thế giới để tránh những hệ lụy từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây, đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Iran. Nhiều khả năng Chính phủ mới do ông Rowhani đứng đầu sẽ có cách tiếp cận linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với Mỹ và các cường quốc thế giới, từ đó đưa đất nước này thoát khỏi tình trạng bị cô lập do các biện pháp trừng phạt cứng rắn và từng bước cải thiện tình hình kinh tế trong nước. 

Vừa qua, Mỹ và các nước phương Tây đã thắt chặt thêm một nấc nữa về các biện pháp trừng phạt Iran vì chương trình hạt nhân của nước này. Bởi vậy, tân Tổng thống phải là người bảo vệ quyền chính đáng của quốc gia trong việc phát triển chương trình hạt nhân hòa bình. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, tân Tổng thống Iran Rowhani kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có sự tôn trọng trong quan hệ với Iran và công nhận quyền của đất nước này, rõ ràng là ông ám chỉ vấn đề chương trình hạt nhân của Tehran. Mục tiêu đằng sau việc làm giàu urani của Iran là để sản xuất nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân, đặc biệt là Nhà máy điện hạt nhân Bushehr và các nhà máy khác sẽ được xây dựng trong vài năm tới.

Hạt nhân nóng bỏng

Với thắng lợi của ông Rowhani, trong tương lai gần, các cuộc đàm phán về hạt nhân của Iran có nhiều khả năng nối lại và theo hướng ôn hòa hơn, nhưng dù có trái ngược với đương kim Tổng thống Mahmouh Ahmadinejad, ông Rowhani cũng đã nói sẽ không “đầu hàng” trước những đòi hỏi của phương Tây. Tổng thống đắc cử của Iran Hassan Rowhani đã có tuyên bố đầu tiên thể hiện quan điểm của mình trong vấn đề hạt nhân. 

Khi được hỏi liệu Iran có sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Mỹ hay không, ông Rowhani cho biết Washington cần phải công nhận quyền hạt nhân của Tehran và cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Iran, trước khi diễn ra bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào giữa hai nước. Đặc biệt, ông Rowhani cho biết, sẽ đảo ngược quan hệ thù địch thành quan hệ đối đầu trực tiếp nhưng vẫn có căng thẳng, và trong giai đoạn thứ hai Iran sẽ dần dần giảm căng thẳng. Không giống như ông Ahmadinejad, khi đối thoại với giới chức Mỹ hay công dân Mỹ, ông có thể không cần một người phiên dịch.

Khó có nhiều chuyển biến 

Những người Iran theo đường lối ôn hòa hoặc ủng hộ cải cách, hy vọng tân Tổng thống sẽ đem lại một số thay đổi so với 8 năm theo đường lối cứng rắn của Tổng thống Ahmadinejad. Tân Tổng thống đã tuyên bố theo đuổi chính sách chính trị ôn hòa, hợp lý; tập trung sản xuất và phát triển công nghệ đồng thời không dung thứ cho hành động phân biệt đối xử với phụ nữ và các nhóm dân tộc thiểu số. Nhưng vấn đề cử tri Iran bận tâm nhất vẫn là cải thiện nền kinh tế bị sa sút và hủy hoại nghiêm trọng. 

Việc làm thế nào để đứng vững trước áp lực trong nước về danh dự, về chủ quyền quốc gia và tư tưởng dân tộc tôn giáo cực đoan là một thách thức rất lớn của ông Rowhani trên cương vị Tổng thống. Điều này sẽ không dễ dàng với ông Rowhani vì theo thể chế của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, quyền lực của Tổng thống dân cử khá hạn chế vì Lãnh đạo Tối cao là vị có thẩm quyền cao nhất về chính trị, quân sự lẫn tôn giáo. Những quyết định của Tổng thống, nếu không được sự chấp thuận của Lãnh đạo tối cao Khamenei thì cũng không thể thực hiện được. 

Lúc này, vẫn còn quá sớm để hy vọng những chuyển biến của Iran trong thời gian tới. Ông Alireza Nader, chuyên gia phân tích của nhóm cố vấn Rand Corp, nhận định: “Ông ấy chưa phải là một nhà cải cách. Sự xuất hiện của ông Rowhani chỉ như một phép so sánh khác so với ông Ahmadinejad”.  Do vậy, người Iran phải kiên nhẫn chờ đợi sự đổi thay bởi cơ cấu quyền lực nhiều tầng phức tạp của nước này đã bị xói mòn nghiêm trọng trong suốt 2 thập kỷ qua.