Thác Bản Giốc kỳ vĩ, thiêng liêng

ANTĐ - Nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng về địa lý - nơi đặt cột mốc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) được khách du lịch gần xa biết đến là một trong những dòng thác tự nhiên đẹp và kỳ vĩ nhất Việt Nam. Không chỉ là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á, thác Bản Giốc còn là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới giữa các quốc gia. 

Thác Bản Giốc kỳ vĩ, thiêng liêng ảnh 1Quang cảnh nơi tọa lạc chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc vừa mới khánh thành

Sau một đêm nghỉ chân tại TP Cao Bằng, chúng tôi bắt đầu ngược lên phía Bắc hướng về thác Bản Giốc, theo giới thiệu của người dân địa phương thì quãng đường này khoảng 90km. Mặt đường sau nhiều lần được tu sửa, nâng cấp đã rộng rãi và khá dễ đi. Giữa phong cảnh đồng quê trù phú, cứ chốc lát, xe lại uốn lượn quanh co giữa những sườn núi đá kỳ vĩ, huyền ảo trong sương sớm mùa đông. Với khách phượt thích khám phá những cung đường núi kỳ vĩ chắc chắn sẽ không phải thất vọng bởi ngay trước khi đặt chân đến địa danh lịch sử Trùng Khánh, xe sẽ phải vượt qua 7 vòng dốc ngoằn ngoèo với những khúc cua rất hẹp và dốc của đèo Mã Phục - một trong những con đèo đẹp và hiểm trở nhất nước. Được biết, đèo có tên Mã Phục vì giữa đường đi có hai khối đá vôi khổng lồ, thành dựng đứng, chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phục ở cung đường này. 

Thác Bản Giốc cuối cùng cũng hiện ra trước mắt, phía cuối thung lũng nhỏ dưới chân đèo, nơi có chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc và khu nghỉ dưỡng 4 sao vừa được khánh thành. Một cảm giác xốn xang, hạnh phúc dâng trào trong tôi khi nhìn thấy toàn cảnh thác Bản Giốc - bức tranh quen thuộc trong tiềm thức mỗi con dân đất Việt ở nơi địa đầu Tổ quốc. Ấy là những cột thác nước trắng xóa dội thẳng đứng từ độ cao hàng trăm mét xuống, dội vào những khối đá nhấp nhô giữa dòng nước trong vắt, tung bọt trắng xóa. Khung cảnh kỳ vĩ có sự kết hợp hoàn hảo với  những ruộng lúa nương trơ chân dạ với màu nâu sậm trên thung lũng. Giữa nơi phên giậu, những gốc rạ thân thương, gần gũi làm du khách thập phương quên cả mỏi mệt.  

Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc tọa lạc trên Ngai Rồng, lưng chừng núi Phia Nhàn, cách mặt đường đến 200m với bậc tam cấp cao vời vợi. Từ đó, để xuống được thác Bản Giốc, du khách đi bộ theo đường mòn bắt đầu từ cổng khu nghỉ dưỡng 4 sao resort Sài Gòn - Bản Dốc xuống dưới chân núi, rồi cắt ngang qua cánh đồng dài đến hàng cây số. Thường thì khách du lịch thích đến thăm thác Bản Giốc vào mùa hè, mùa con nước đầy, thác nhiều nước và đẹp nhất. Thế nhưng, đến thác Bản Giốc vào mùa đông, những ngày cuối năm, lại có thể cảm nhận được cái lạnh ngắt, tinh sương của hơi nước và khí trời, mang những xúc cảm rất riêng. 

Những cột thác nước trắng xóa nhìn từ trên cao đã đẹp, khi nhìn cận cảnh lại càng hùng vĩ. Không chỉ một mà đến 2 dòng thác (một thác chính, một thác phụ) từ giữa lưng chừng núi đá đổ thẳng đứng xuống dòng sông trong vắt,  rồi hiền hòa chảy xuôi tạo nên một tuyệt sắc của thiên nhiên. 

Ngay dưới chân dòng thác chính là cột mốc biên giới 836 dòng Quây Sơn chính là dải phân cách giữa 2 quốc gia. Hiện nay, phía 2 bên bờ sông đều có các quầy bán hàng của tiểu thương địa phương phục vụ khách du lịch 2 nước. Khách du lịch Việt Nam cũng chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng/ người sẽ được lên phà ra thưởng ngoạn cảnh sông nước và vẻ đẹp mê hồn của thác Bản Giốc. Phía bờ bên kia sông là lãnh thổ của nước bạn. 

Ở chốn phên giậu này, tận hưởng vẻ đẹp hút hồn của thiên nhiên, giữa đất - trời và dòng thác trắng xóa, dường như mỗi người con đất Việt đều có một cảm giác tự hào và kiêu hãnh trào dâng, khi nghĩ về Tổ quốc, nghĩ về dân tộc chúng ta luôn bất diệt, trường tồn!

Tin cùng chuyên mục