Thả trẻ về đồng quê

ANTĐ - Con người ta lạ thế! Hễ có dịp được nghỉ dài ngày lại bồng bế, dắt díu nhau chen chúc, nhồi nhét tàu xe, đổ dồn về những điểm du lịch, những bãi biển đông đặc người. Không còn chỗ chen chân, chỗ thở, nói gì chỗ để tắm, vẫy vùng. Mặt biển trở nên chật hẹp, tù túng không hơn cái ao làng. Dù có sóng, thủy triều và rất nhiều nắng gió cũng khó cuốn trôi đi cái không khí bức bối cùng nỗi bực dọc bị “hành xác”, “chặt chém”…

Thả trẻ về đồng quê ảnh 1

Ảnh: phú khánh

1. Từng được nếm trải, thấm thía mấy chuyến đi nhớ đời, ông giáo lặng lẽ ra bến xe, về quê. Ông dắt theo mấy đứa học trò, coi như một chuyến đi học kỹ năng sống cho đám trẻ thành phố ngờ nghệch từ tấm bé. Đầu óc đặc sệt kiến thức sách vở khô cứng, học thêm, học nếm đến mụ mẫm cả người nên chuyến dã ngoại này là sự giải thoát khỏi bốn bức tường chật chội…

Cửa xe bật mở, năm thầy trò ùa xuống. Hăm hở, háo hức và chờ đợi dồn nén, giờ mới được bung ra. Bốn bề gió và nắng. Gió từ cánh đồng lúa mênh mông đương thì con gái, vắng lặng, yên ả đến sững sờ. Ông giáo chậm rãi: “Thầy trò mình về đây khi người ta tranh nhau đi du lịch, kéo tới những tụ điểm vui chơi, giải trí, thoạt nghĩ tưởng là ngược đời. Nhưng người xưa có câu: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao. Sinh ra và lớn lên từ làng quê này, thầy đã học hỏi được nhiều thứ, mà giờ các em rất thiếu, rất cần”.

Đám trẻ có vẻ chăm chú lắng nghe nhưng không giấu được vẻ mặt bồn chồn. Làng quê với chúng cái gì cũng mới lạ, hấp dẫn không sao cưỡng nổi. Chúng say sưa “nghiên cứu” giàn mướp “hoa vàng như nỗi nhớ dây dưa”. Treo đong đưa những trái mướp hương, thơm từ lá thơm đi. Rặng mồng tơi xanh mướt mềm vắt nghiêng bờ giậu. Che bóng rau lang, lá tốt bò lan mặt đất…

 Thoát khỏi bê tông, khung nhôm kính, điều hòa kín mít; mắt không phải dán chặt vào màn hình, trò chơi điện tử, đám trẻ hoạt bát, nhanh nhẹn lạ thường. Dường như, chúng quên hẳn phía sau lưng ồn ào, ùn tắc, bụi bặm cùng mùi xe cộ, khí thải. Quên hẳn chiếc cặp nặng trĩu, xệ vai với những bài tập ngập đầu… 

2. Hai cô bé theo bà ra vườn hái mồng tơi, rau đay, mướp hương cho nồi canh cua. Ở nhà chưa cầm chổi quét nhà, cầm rá vo gạo. Chỉ quen bếp điện, bếp ga, bếp từ, giờ lại được bà dạy nạo mướp, giã cua đồng, rồi còn được cầm dao chẻ củi, lóng ngóng nhóm bếp với rơm rạ. Mùi khói bếp, mùi tro trấu ngấm vào tóc. Hai cậu học trò chưa từng dãi nắng, dầm mưa, hăm hở vác cần câu, cọng vó theo ông cụ ra bờ ao. Có sách vở nào dạy chúng mắc lưới, căng dây câu, thả mồi. Vậy mà chỉ nghe ông chỉ bảo, hai cậu học sinh trung học đã làm được ngay. Thả lưới xuống ao, ba thầy trò đầm mình dưới làn nước trong lành lùa cá. Hì hụp xúc ốc, tép riu dưới đám bèo lưa thưa những chùm hoa tím. Mải mê vùng vẫy dưới ao mãi không biết chán, quên cả thời gian. Một ngày sống ở quê sao dài thế. Chẳng truyền hình, chơi điện tử, được tận hưởng từng giờ, từng phút nên thời gian chậm lại, ngày dài ra. 

Đêm buông xuống, chợt ngẩng lên đã thấy trăng rằm ló rạng, treo chếch ngọn tre, đong đưa theo gió. Trong mắt trẻ thành phố vốn ngợp ánh điện, trăng treo thấp quá. Ngỡ chỉ nhún chân, khẽ nhảy là với được ngay. Ánh trăng sáng trắng, mát rượi như làn nước mỏng tang rắc khắp vườn rau, láng ánh bạc mặt ao lăn tăn sóng. Có thể nghe thấy tiếng cá quẫy đớp trăng, tiếng ếch nhái, chão chuộc. Cứ ru rú trong căn hộ khép kín, chẳng bao giờ trẻ được nghe những âm thanh, tiếng động hoang dã yên ả, thanh bình đồng quê.  Nhất là tiếng sáo diều ai thả giữa lưng trời, vi vu trầm bổng trong ánh trăng vàng chín ửng màu lúa vừa gặt. Đầy một sân trăng bát ngát, mấy manh chiếu hoa sờn rách trải ra trên thềm trăng, mâm cơm quê mùa có hương vị hấp dẫn chưa từng thấy.

Bọn trẻ háo hức sà xuống, quây quần bên bát canh cua đặc sánh, đĩa cà pháo muối xổi, đĩa tôm đồng đỏ lựng rang khế chua. Rồi cả một bát đầy ụ chuối xanh nấu ốc vặn. Toàn những món lạ, ngon miệng chả thấy trong nhà hàng đặc sản hay khách sạn. Những đứa trẻ vốn thừa thãi và chán ngán thịt thà, xúc xích và bơ sữa ăn không biết no. Một ngày vận động, lao động rồi được thưởng thức ngọn rau xanh, con tép, do chính tay mình hái, bắt mới cảm thấy hết vị ngon ngọt. Một ngày dài hít thở hương đồng, gió nội, mùi đất bùn ngai ngái, bốn đứa trẻ thành phố dường như chưa biết thỏa. 

Giữa tiếng sáo diều lửng lơ ngang trời, thầy trò cùng ngả lưng trên mảnh sân sóng sánh trăng khuya. Không biết đến bao giờ lại được “tắm” dưới ánh sáng huyền ảo, mát lành như đêm nay! Bao mùa trăng qua đi, ngay cả Rằm Trung thu, trăng thành phố ở tít trên cao, xa vời, mờ nhạt đâu có gần gũi, thân thiết như ở đây. Ngay cả gió cũng tù túng, luẩn quẩn chứ không hoang dã, tươi rói, lại có cả mùi ổi, chuối chín cây từ ngoài vườn. 

3. Nếu không có tiếng chim ríu rít trên cành ổi lúc trời mờ tỏ, nắng còn ẩn dưới chân trời, có lẽ năm thầy trò vẫn chìm trong giấc nồng sâu. Choàng tỉnh giữa màn trời chiếu đất, hai cô học trò ngơ ngác tưởng như đã về đây lâu rồi. Tuyệt nhiên chẳng thấy vương víu bất cứ sợi dây nào với trường lớp, sách vở. Nhẹ tênh như bầy chim được thả về đồng ruộng, chúng chạy ùa ra bờ mương ướt đẫm sương đêm. Đồng không một bóng người hay trâu bò thả sớm. Cánh đồng lúa đang ngậm đòng, uốn câu, gợn sóng lăn tăn, bất tận tới chân mây.

Những bàn tay chỉ quen cầm bút, nhấn “chuột”, lướt trên bàn phím, lại được tuốt từng ngọn lúa non, khẽ khàng nhấm vị sữa lúa chưa kết hạt. Chẳng biết năm sau liệu có được thầy “thả” về đồng quê hay không. Chỉ biết còn một ngày dài trước mặt, thì phải tận hưởng. Ngoài đồng, trong làng, biết bao thứ thú vị, hấp dẫn mà một hai ngày không thể biết hết được. Khi đám trẻ từ ngoài đồng về, ông thầy bảo, năm sau có dịp, thầy trò mình lại trở về nếu trong lòng các con vẫn lưu luyến, thương nhớ đồng quê. Thành phố đổi thay nhanh lắm. Nhưng thôn quê, dẫu sao chưa mất đi nhiều…

Xế chiều, khi rời xa đồng quê, trong túi xách ba lô học trò, căng đầy những quả hồng xiêm, ổi đào… Mang về một chút hương vị, còn bao thứ không thể mang theo thì cất sâu trong ký ức tuổi thơ. Cất giữ màu tím hoa bèo, màu vàng hoa mướp; mùi bùn ao, khói bếp củi rơm. Nhớ nhất là ánh trăng rằm mát rượi, lai láng chảy từ ngọn cây, bờ cỏ tràn ngập khắp cánh đồng, len vào đường làng ngõ xóm. Trở về thành phố, làm sao tìm được những “đặc sản” đồng quê bình thường mà quý hiếm đó.