“Thả rông” tem nhận diện rau an toàn

ANTĐ - Trong khi đề án rau an toàn giai đoạn 2010-2015 với khoản kinh phí gần 1.000 tỷ đồng đã sắp kết thúc mà chưa mang lại hiệu quả như mong đợi thì tình trạng quản lý rau an toàn (RAT) ngày càng lỏng lẻo. Dư luận không khỏi băn khoăn, liệu đây có phải đề án được “vẽ” ra để tiêu tiền?

“Thả rông” tem nhận diện rau an toàn  ảnh 1Tem rau, quả an toàn được phát tràn lan cho cơ sở kinh doanh tự dán (Ảnh minh họa)

Không được cấp vẫn có tem

Được đánh giá là một trong những địa phương làm tốt mô hình RAT, tuy nhiên, qua nhiều năm, đặc biệt là từ khi đề án RAT được phê duyệt, Hà Nội đã đầu tư xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, nhưng đến nay, kết quả gần như không có gì. 

Năm 2012, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phát hành tem nhận diện RAT, cấp cho các cơ sở sản xuất, chế biến RAT. Tem nhận diện RAT được in chữ “RAT Hà Nội” ở giữa, trên có logo của ngành nông nghiệp Hà Nội và hình cây rau bắp cải. Mỗi cơ sở, doanh nghiệp, HTX được cấp một mã số mã hóa tên cơ sở sản xuất và một con dấu khắc mã số để dập lên tem nhận diện hằng ngày. Bảng tra cứu mã số các cơ sở được công khai trên sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn. Tem được dán vào từng bao bì bên ngoài mớ rau khi bán ra thị trường, cả bán buôn và bán lẻ. Khi có vấn đề gì xảy ra, căn cứ vào mã số tem có thể truy xuất được nguồn gốc từng bó rau. Theo quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã... được cấp tem RAT, mỗi khi xuất hàng phải báo cáo số lượng rau, quả xuất. Căn cứ vào đây, Trạm bảo vệ thực vật các quận, huyện sẽ cấp tem RAT và giám sát các cơ sở bao gói, dán tem. Song thực tế thì không hoàn toàn như vậy.

Ngày 29-10 vừa qua, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát ĐTTP về TTQLKT&CV (CATP Hà Nội) đã bất ngờ kiểm tra việc kinh doanh rau, củ, quả tại Xí nghiệp chế biến thực phẩm Fivifood tại Trại Gà, Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện hàng chục chiếc tem nhận diện RAT Hà Nội có mã số 0043 của Chi cục BVTV Hà Nội phát ra cùng hàng chục chiếc tem Rau quả VietGap do Trạm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm cây trồng Hà Nội cấp. Tuy nhiên, kiểm chứng từ phía Chi cục BVTV cho thấy, Xí nghiệp chế biến thực phẩm Fivifood không được đơn vị này cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, bao gói RAT, và cũng không cấp tem nhận diện RAT cho đơn vị này.

Tem RAT phát như hàng chợ

Theo chị Khuất Thị Phượng, nhân viên đảm nhận việc thu mua rau, quả của Xí nghiệp chế biến thực phẩm Fivifood, số tem RAT được HTX sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm Nấm Sáng Thiện Quảng Hội, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn cung cấp. “Chúng tôi nhập các sản phẩm nấm tươi của HTX này như nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò.  Đơn vị này khi giao hàng thì giao luôn tem nhận diện RAT cho chúng tôi tự dán vào sản phẩm của mình sau khi bao gói”, chị Phượng cho hay. Tương tự, tem nhãn rau quả VietGap cũng là do Công ty CP nông phẩm Công nghệ cao An Việt có địa chỉ ở xã Thượng Cốc, Phúc Thọ giao cho đơn vị này để dán vào quả thanh long. 

Chiều 31-10, lực lượng liên ngành đã tiếp tục kiểm tra đột xuất tại HTX sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm Nấm Sáng Thiện Quảng Hội. Tại đây, đoàn kiểm tra liên ngành ghi nhận, cơ sở sản xuất nấm theo quy trình sạch, đảm bảo an toàn. Tuy nhiên anh Trần Văn Thăng (con trai Chủ nhiệm HTX) thừa nhận, mỗi khi giao hàng (nấm) cho Xí nghiệp thực phẩm Fivifood, cơ sở chỉ đóng nấm vào thùng cartton, không bao bì, nhãn mác và giao luôn tem nhận diện RAT cho khách hàng tự dán vào sản phẩm. HTX này giao hàng cho Xí nghiệp thực phẩm Fivifood một tuần 2 lần vào thứ 2 và thứ 5. Toàn bộ số tem nhận diện RAT được bà Đào Thị Thiện, Chủ nhiệm HTX tiếp nhận từ Trạm BVTV Sóc Sơn.

Trao đổi về sự lỏng lẻo trong quản lý, ông Đỗ Lưu Vụ, Trạm trưởng Trạm BVTV Sóc Sơn nhìn nhận, do lực lượng cán bộ tại trạm còn mỏng lại kiêm nhiệm nhiều việc, hơn nữa, Trạm cũng chưa nhận được văn bản nào từ phía Chi cục BVTV hướng dẫn về quy trình quản lý, giám sát dán tem nhận diện RAT nên mới có tình trạng trên. Tuy vậy, ông Vụ cho biết, sẽ chấn chỉnh việc cấp tem nhận diện RAT tràn lan, thiếu kiểm soát cho các cơ sở trên địa bàn.

Đề án chuỗi cung cấp RAT cho TP Hà Nội giai đoạn 2015-2020 với kinh phí dự kiến 950 tỷ đồng, đến năm 2020 sẽ đáp ứng được trên 80% nhu cầu tiêu dùng RAT cho toàn TP; 80% sản lượng RAT của xã viên được tiêu thụ thông qua doanh nghiệp. Tại các chợ dân sinh, đến năm 2020 các quầy bán RAT sẽ chiếm 90%. Tất cả sản phẩm RAT khi đưa tiêu thụ, bán lẻ phải được dán tem nhận diện.