Tết trong xà lim biệt giam Hỏa Lò

ANTĐ - Trong giai đoạn 1947-1954, tại Hà Nội nổ ra mấy vụ vượt ngục, trong đó có vụ 17 tử tù vượt ngục nhà tù Hỏa Lò (Maison Centrale) trong đêm Noel 1954, khi Tết Nguyên đán đang tới sau lưng.

Đoàn tử tù cả tiếng đồng hồ lúc đi, lúc bò, lúc cúi trong lòng cống ngầm tối om. Cuối cùng họ cũng đến đích và nhanh chóng chui lên khỏi miệng cống giữa phố Quán Sứ. Chúa ngục Michel              Giovanielli được tin, bèn tung một lực lượng hỗn hợp cả mật thám, cảnh binh và hiến binh truy bắt khẩn cấp. Báo động thiết quân luật trong cả nội thành bị tạm chiếm.

Kiệt sức và tay không, đoàn tử tù chống lại lực lượng vây bắt đông gấp bội và sự không cân sức chỉ giúp được 5 chiến sỹ thoát hiểm. Bọn mật thám đưa 12 chiến sĩ bị bắt lại trở về nhà lao. Phủ thủ hiến Bắc Việt ra thông báo trấn an dư luận, đe dọa nếu chứa chấp những người lẩn trốn sẽ bị coi là tòng phạm.

Đoàn 12 chiến sỹ bị giải trở lại khu xà lim 1, sau đó thay thế bằng khu xà lim 2. Và sự dọa đầy cùng cực đã giáng xuống cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng cùm hai chân, khóa xích hai tay các chiến sỹ suốt ngày đêm. Thân thể trần truồng, trơ khấc trên nền sàn xi măng lạnh buốt. Chốc chốc lại một xô nước do thằng Voi, Phó ngục dội vào. Hai hôm đầu bị bỏ đói và rét lạnh, lại bị cấm không được nói. Lính bảo chính đoàn gác trong khu xà lim cũng bị cấm không được hỏi han. Từ ngày thứ ba trở đi, chúng mới cho mỗi người ăn một nắm cơm cháy nhỏ kèm mấy hạt muối và lưng lửng ca nước lã.

Bị giam hãm như thế nhưng xà lim 2 vẫn có mối liên lạc với tổ chức tù nhân, cả đồng đội bên ngoài. Vụ vượt ngục của các chiến sĩ đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Rồi trại thành án tuyên bố tuyệt thực hôm trước, hôm sau trại phụ nữ và cả trại “trẻ con” cũng nhịn ăn. Toàn thể tù đề lao Trung ương Hà Nội cũng nhịn ăn để phản đối cách đối xử vô nhân đạo với xà lim 2 và bắt bớ tràn lan người tình nghi giúp đỡ cuộc vượt ngục. Rồi một buổi sáng, dân chúng nội ngoại thành từ nhiều ngả kéo đến trước cổng Hỏa Lò, đòi Tòa án binh Pháp và Chúa ngục phải trả lời cho biết chồng con mình hiện giờ sống chết ra sao?

Ngần ấy nguồn hỗ trợ, bảo vệ khiến giặc phải nhượng bộ, nới lỏng dần với khu biệt giam; nắm cơm cháy thay bằng cơm rời đựng vào hộp tôn với vài ba cọng rau muống già, mấy miếng đậu phụ thái kiểu quân cờ kho với muối. Mỗi ngày có một ca nước vối loãng để uống.

Hơn một tháng trôi qua, một buổi chiều, chúng mang vào cho mỗi người một bộ quần áo tù ngắn, tháo bỏ khóa tay số 8 và lần đầu được tắm rửa sau ngày bị bắt lại. Rồi suất cơm hộp tôn được thêm một phần tư cái bánh chưng. Như vậy là ngày mai đã đến tết. Phòng biệt giam cũng phải lo chương trình đón giao thừa theo hoàn cảnh riêng.

Sau lễ chào cờ, anh em hát quốc ca, rồi hai người cùng buồng chúc lẫn nhau những điều tốt lành. Buồng nọ nói với sang buồng kia. Đầu dãy với cuối dãy. Tiếng cười nói vui vẻ, lạc quan, tin tưởng. Rồi trình diễn các tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn. Diễn viên cũng như khán giả đều ở nguyên tại chỗ, chân vẫn trong cùm nên chỉ nghe tiếng mà không thấy người. Đặng Kỳ hát bài tủ Đoàn quân đi. Minh Việt ngâm bài thơ Em bé sông Lô. Hùng Hậu hát Tiếng hát người Hà Nội. Bình “còm” không quên nhắc Văn Đang: “Lát nữa, nhớ phải làm một ván cờ tướng mở hàng đấy nhé”.(Không có bàn và quân cờ, thế trận bầy ngầm trong óc, buồng này đánh với sang buồng kia).

Hương vị ngày xuân lặng lẽ tràn vào các buồng giam theo khói pháo. Bỗng có tiếng thét lên:

- Mùi pháo các anh ơi, bên anh có ngửi thấy không?

- Thấy chứ, khói nó đang tràn vào đó.

Người lính bảo chính đứng gác giữa hành lang cho biết:

- Năm nay, pháo đốt nhiều gấp mấy lần năm ngoái. Trời mưa phùn, khói không bay lên được mới dạt vào đây.

Chính một số đồng chí mới ra khỏi Hỏa Lò mấy hôm trước đã đến đây đốt pháo với suy nghĩ đơn giản “các đồng chí ấy không hề lãng quên mình”.

Chuông nhà thờ thánh Saint Marie buông rành rõ từng tiếng. Tiết mục cuối cùng trình làng xà lim 2 là độc tấu Đi theo Táo quân lên chầu Ngọc Hoàng của Phạm Vân (tức Vân “lùn”).

Cả xà lim 2 ran lên tràng pháo tay tán thưởng. Người lính gác dựng cây tiểu liên vào vách tường, thả sức vỗ hai bàn tay vào nhau đôm đốp, reo lên:

- Ở trong quân ngũ quốc gia, em chưa bao giờ được vui như thế này!

Sáng mồng một tết, bỗng có tiếng lách cách mở khóa cửa to vào khu xà lim. Đi đầu là giám thị râu ngô Michel Giovannielli, đến thằng Voi (René  Marty), Phó giám thị. Là phụ tá, thằng Voi khệ nệ hai tay xách làn mây đựng đồ tiếp tế. Thấy sự lạ, anh em tù chính trị lặng lẽ ngồi dõi theo. Tiếng một cửa buồng được mở. Rồi thằng Voi ra vào liên tục nhiều chuyến cho đến khi cả 8 buồng xà lim đều lần lượt được mở. Người nào cũng được kêu tên nhận quà. Bất luận người Hà Nội, Hà Đông hay ở tỉnh xa đều nhận được làn quà tiếp tế ngày tết, đúng tên và số tù, do có sự dàn dựng từ bên ngoài. Mặt trận Hà Nội đã nắm vững tình hình xà lim 2 qua các đồng chí mới thoát khỏi Hỏa Lò mấy ngày giáp tết và gửi tiếp tế vào theo đúng nội quy. Lần này cũng có màu sắc xuân của hoa đào, hoa cúc, quất vàng. Có đủ thức ăn, thêm thuốc hút. Nhưng gửi vào trong đó nhiều nhất vẫn là nghĩa tình của hai bên nội ngoại, đồng đội gửi vào cho người tù khiến họ khắc sâu vào tâm trí suốt đời.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua. Đất nước đã thay da đổi thịt. Song, khắc sâu trong anh chị em cựu tù chính trị vẫn mãi mãi là lòng biết ơn, tình yêu thương, đùm bọc của đồng bào, đồng chí. Tình cảm ấy thật thầm lặng mà mãnh liệt. Trong kiếp sống đó, vui có, buồn có, song tâm tình ấy không bao giờ phai.